Xóm nghèo hoang mang vì bệnh lạ

Thứ Hai, 18/07/2016, 13:47
Vài năm nay dòng họ Bùi ở xóm Đổn (xã Văn Nghĩa, huyện Lạc Sơn, Hòa Bình) rơi vào tình trạng vô cùng hoang mang bởi một căn bệnh lạ. Chỉ trong 5 ngày, 3 cháu nhỏ vĩnh viễn ra đi. Những người thân như ông bà, bố mẹ của các cháu cũng đang mắc chứng bệnh lạ mà người dân vẫn gọi là bệnh "lười". Đã có nhiều nhà khoa học, các bác sĩ đến đây để thẩm định, nghiên cứu nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân.


Bệnh "lười"

Những trận mưa rừng xối xả khiến cả vạt rừng của xóm Đổn trở nên tiêu điều, hoang lạnh. Dân ở đây chẳng có gì ngoài cái nghèo, cái đói rồi cả căn bệnh lạ đang ngày đêm hành hạ. Không chỉ chán nản vì bệnh tật, bà con xóm Đổn lại mang thêm cái tiếng "ngọn đồi ma ám".

Ông Nguyễn Thanh Quyết, Trưởng xóm Đổn thở dài: "Mấy năm qua dòng họ Bùi ở xóm Đổn nhiều người mắc bệnh lạ lắm, người lúc nào cũng mệt mỏi. Ai mà đã mắc bệnh là không muốn làm ăn gì. Đi bệnh viện tỉnh khám cũng không tìm ra nguyên nhân. Sau lần mấy đứa nhỏ mất, người ta cứ bảo dòng họ ấy bị ma ám".

Ông Rèn lo lắng về căn bệnh lạ mà dòng họ mình gặp phải.

Ngôi nhà sàn của gia đình ông Bùi Văn Rèn và bà Bùi Thị Rừm nằm gọn lỏn trên quả đồi cao nhất của xóm. Thấy người lạ đến tìm, ông Rèn mừng như bắt được vàng. Bởi, cứ mỗi lần như vậy ông lại hy vọng bệnh của dòng họ nhà mình được tìm ra nguyên nhân. Ông Rèn là một trong những người sống lâu đời nhất ở xóm Đổn này.

Sống gần hết cuộc đời nơi thâm sơn cùng cốc, ông chẳng còn biết sợ thứ gì. Vậy mà ông Rèn lại là người bị con "ma" rừng hỏi thăm đầu tiên. Lê những bước khó nhọc, ông Rèn uể oải nói: "Chẳng biết nói gì nữa cô chú ạ. 3 đứa cháu nhà tôi ra đi đột ngột quá, trong vòng 5 ngày thôi mà tôi mất đi 3 đứa. Đến giờ cả nhà, cả họ chúng tôi còn chưa nguôi ngoai đi sự mất mát này.

Tôi chưa đầy 60 tuổi mà như ông cụ, chân tay run rẩy, người lúc nào cũng mệt mỏi, chẳng muốn động chân động tay. Vợ tôi cũng vậy, đau ốm liên miên, từ khi mắc cái bệnh này bà ấy không làm được việc nặng, đi làm nương nhiều hôm còn ngã cả ra. Suốt ngày kêu mệt mỏi, không nhấc được chân lên. Cứ thế này chắc cả nhà, cả họ tôi chết đói".

Nhìn vào gia cảnh, con người trong gia đình ông Rèn cũng khiến chúng tôi chán nản. Người nằm trên giường, người ngồi tựa cửa ai nấy cũng ủ rũ, uể oải như thể người bị ốm lâu ngày. Từ con dâu, con gái, cho tới cậu con trai thứ 2 đều gầy gò, hom hem. Để dậy cho lợn ăn, bà Rừm phải chuẩn bị, khởi động cả tiếng đồng hồ mới đứng lên được.

Khó nhọc múc từng muôi cám cho lợn, bà Rừm kể: "Cô phát hiện mình mắc bệnh này từ tháng 5-2012. Hôm đó cô không làm việc gì nặng nhọc cả, tự nhiên thấy người cứ lả đi, chân tay run lẩy bẩy. Chẳng muốn làm việc gì, chỉ thích nằm, mà buồn ngủ lắm. Cứ nghĩ là mình bị suy nhược cơ thể nên không thấy lo lắng gì. Mãi sau này bệnh nặng hơn mới sợ".

Mặc dù nhiều đoàn về nghiên cứu nhưng vẫn chưa ai tìm ra nguyên nhân bệnh lạ ở đây.

Dòng họ Bùi bắt đầu thấy hoảng sợ khi mà hàng loạt người từ già tới trẻ đều mắc những triệu chứng như vậy. Ông Rèn nổi tiếng khỏe mạnh vậy mà cũng bị bệnh này quật đổ. Ban đầu chỉ thấy người mệt, buồn ngủ nhưng càng về sau càng thấy chân tay run mạnh hơn.

Ông Rèn kể: "Người tôi cứ như có kiến bò vậy. Buồn ngủ ghê gớm, chỉ muốn nằm thôi. Bàn chân thì tê hết đi, lạnh ngắt, đêm đến muốn đi vệ sinh cũng khó vì không nhấc được chân lên. Ăn uống cũng kém hơn đi".

Quá hoảng sợ, tất cả hàng chục người trong nhà cùng nhau đi khám tại bệnh viện huyện. Sau khi chụp chiếu không có vấn đề gì, các bác sĩ kết luận bị suy nhược cơ thể, thiếu vitamin. Đơn thuốc cho những người này vỏn vẹn là vài lọ B1, B6. Khi mọi người đặt câu hỏi với bác sĩ, tại sao suy nhược cơ thể lại bị cả dòng họ?

Thì câu trả lời là "không biết". Cho đến nay đã có khoảng hơn 10 người đều là họ hàng của ông Rèn mắc chứng bệnh này. Sau những lần đi khám tại các bệnh viện, dù tốn kém nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Mọi người bắt đầu tìm đến phương pháp chữa bệnh bằng thuốc lá. Bà Rừm nói: "Chúng tôi nghèo lắm, đường đất lại xa xôi, khó đi lại, nghĩ đến lên bệnh viện khám là sợ rồi.

Tiền đi lại đã khó, nói chi đến tiền thuốc. Mới đây chúng tôi có được mách dùng 1 loại thuốc lá của ông lang người Hà Tây cũ. Mỗi thang mấy trăm nghìn, thế mà mang về uống rồi xông cũng chẳng đỡ. Có khi chúng tôi cả đời phải sống với căn bệnh quái lạ này. Thuốc bổ mà người ta cấp cho để uống cũng thấy đỡ nhưng có vẻ chỉ là cảm giác giả. Một thời gian sau lại xuất hiện cảm giác tê tê, uể oải".

5 ngày 3 đứa trẻ chết không rõ nguyên nhân

Cách đây 3 năm, cả xóm Đổn bị một phen hoảng loạn, người dân tưởng chừng như phải bỏ bản mà đi. Khi ấy 3 đứa cháu của ông Rèn đột ngột qua đời chỉ trong vòng có 5 ngày.

Vì mắc bệnh lạ mà bà Rừm không thể lao động như người bình thường.

Ông Rèn thất thần kể lại: "Thấy các cháu mệt  mỏi, có cháu thì kêu đau bụng, chúng tôi đưa đi bệnh viện huyện, sau các bác sĩ nói chuyển lên tỉnh thì đều không kịp nữa. Các cháu mất, bác sĩ cũng không thể kết luận 3 đứa cháu nội, ngoại của tôi bị bệnh gì. Cháu thứ nhất mất thì mọi người còn đến chia buồn, cháu thứ 2, thứ 3 mất mọi người hoang mang, sợ bị lây. Nói thật cho đến nay tất cả vẫn là điều bí ẩn với gia đình chúng tôi".

Gặng hỏi mãi chị Kim Thị Nguyệt mới chia sẻ cho chúng tôi về câu chuyện xảy ra 3 năm về trước. Đến tận bây giờ người đàn bà xanh xao, gầy guộc vẫn chưa vượt được qua cú sốc mất 2 đứa con là cháu Bùi Văn Huy (SN 2009) và cháu Bùi Văn Hiệp (SN 2005) chỉ trong 3 ngày.

Chị mệt mỏi, héo hắt, lết từng bước trên chiếc nhà sàn cũ, nhắc đến 2 đứa con trai, chị Nguyệt khóc nức nở: "Em vẫn không tin đó là sự thực, sao mọi chuyện lại xảy ra nhanh thế? Buổi tối hôm đó, em có bảo cháu Huy vào đi ngủ. Tự nhiên Huy kêu đau bụng, mỗi lúc cơn đau một mạnh hơn. Em sợ quá mới gọi chồng đưa con đi cấp cứu.

Đưa cháu Huy lên bệnh viện được khoảng 2 tiếng thì có điện từ nhà báo về cháu Hiệp cũng kêu đau giống anh. Mọi người vội vàng thuê xe để đưa Hiệp đi, nhưng tất cả đều đã muộn. Trên đường đi cấp cứu cháu đã mất".

Chị Nguyệt như đổ gục khi nghe tin con mình ra đi quá đột ngột… Chị vội vã từ bệnh viện về nhà để lo tang cho con. Đám tang của đứa con lớn chưa lo xong chị Nguyệt nhận tiếp hung tin, cậu con thứ 2 trên bệnh viện cũng đã trút hơi thở cuối cùng. "Lúc đó tôi như người đã chết rồi, chẳng còn sức mà khóc nữa. Sao ông trời lại liên tiếp giáng xuống nhà tôi những tai họa như vậy?" - chị Nguyệt nghẹn ngào.

Trước đây anh Bùi Văn Hội (chồng chị Nguyệt) được người ta ví như con trâu mộng. Vậy mà chỉ 2 năm kể từ khi hai đứa con mất anh gầy rộc đi trông thấy. Mới ngoài 30 tuổi nhưng anh Hội già hơn cái tuổi đó rất nhiều.

Đưa cặp mắt buồn vô hạn về phía chân núi anh Hội nói: "Hai đứa con của chúng tôi sinh ra, lớn lên đều khỏe mạnh. Nuôi chúng cũng không vất vả, chẳng mấy khi phải dùng thuốc. Ai ngờ các cháu ra đi nhanh quá". Anh Hội cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết vẫn chưa có câu trả lời. 

Khi nào chưa tìm ra nguyên nhân bệnh lạ thì những đứa trẻ ở đây còn bị đe dọa.

Hai đứa con của gia đình anh Hội ra đi khiến cả dòng họ Bùi ở xóm Đổn lo lắng, hoang mang. Thế nhưng cũng chỉ 2 ngày sau đó, khi mà mọi người còn chưa kịp định thần chuyện gì xảy ra thì họ tiếp tục đón thêm một hung tin, cháu Bùi Thanh Lâm (3 tuổi) con của chị Bùi Thị Tâm, cũng là cháu ngoại của ông Rèn mắc chứng bệnh giống cháu Huy và Hiệp. Mặc dù đưa lên bệnh viện huyện cấp cứu nhưng cũng không cứu chữa nổi. Cả xóm nghèo chìm trong hoang mang, sợ hãi. Lúc này bắt đầu xuất hiện những tin đồn mang đầy tính liêu trai.

Nào là ma ám dòng họ, rồi dòng họ Bùi ở đây làm điều gì không phải nên bị trừng phạt. Rồi còn có cả những đồn đoán rằng, khu vực này đang có bệnh dịch chết người, dễ dàng lây lan. Đám tang của cháu bé 3 tuổi vắng lạnh, đìu hiu, không có ai khác ngoài người thân.

Ông Bùi Văn Quyết, Trưởng xóm Đổn chia sẻ:

“Không hiểu sao biết bao nhiêu tai ương cứ liên tiếp ập xuống xóm nghèo này. Từ xưa đến giờ làm gì có trẻ con bị bệnh lạ như thế đâu. Rồi còn bệnh "lười làm", chân tay run của người lớn cũng thế. Ở đây cứ có ai không may mắc bệnh gì đó thì hay đổ tại con "ma" gây ra.

Ai cũng sợ con "ma" tiếp tục giáng xuống xóm nhỏ này những tai họa. Nhiều người lớn mắc bệnh lạ đã đi khám bệnh ở rất nhiều nơi rồi, nhưng chưa nơi nào tìm ra nguyên nhân. Cũng đã từng có đoàn ở trung ương về đây lấy mẫu nước, mẫu máu để kiểm tra nhưng đều không có dấu hiệu gì bất thường.

Cán bộ y tế của xã cũng đều phải thừa nhận là chưa bao giờ thấy căn bệnh lạ đến thế. Mọi người kêu mệt mỏi, gầy gò thì y tế xã chỉ biết cấp thuốc vitamin miễn phí. Chúng tôi cũng tha thiết được các cơ quan chuyên môn về nghiên cứu, tìm hiểu và có kết luận về căn bệnh kỳ lạ này”.

Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Trung Hải, Phó Cục trưởng Cục Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết:

"Nếu chỉ những người thuộc dòng họ đó bị thì mới xét đến góc độ di truyền. Nhưng ở đây có cả những người con dâu cũng bị thì nó có thể thuộc về vấn đề dinh dưỡng, chế độ ăn uống. Trong các thức ăn của họ có thể thiếu các yếu tố vi lượng như B1. Vì không phải chỉ những người trong dòng họ mới bị mà ngay cả dâu, rể cũng bị mắc chung một căn bệnh đó thì phải xét đến cả yếu tố lây nhiễm. Lây nhiễm virus và lây nhiễm từ môi trường và các yếu tố khác.

Về phần 3 đứa trẻ bị mất đột ngột trong vòng 5 ngày phải xét về cả các yếu tố như hôn nhân có cận huyết không, các cháu có các bệnh lý bẩm sinh không hoặc cũng có thể là cơ thể nhỏ hơn, yếu hơn nên sức chịu đựng kém hơn trong đại gia đình đều bị như thế. Muốn có được kết luận chính xác những thành viên trong 4 gia đình đó cần phải đi xét nghiệm để tìm ra được nguyên nhân và phương pháp điều trị".

Phong Anh
.
.
.