Đã có hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người

Thứ Tư, 20/01/2016, 09:16
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những nước được coi là "điểm nóng" về các bệnh truyền nhiễm mới nổi có nguồn gốc từ động vật, trong đó có nhiều bệnh có thể gây đại dịch. Đáng lo ngại khi các bệnh lây truyền từ động vật sang người đang có xu hướng gia tăng, như liên cầu lợn, bệnh dại, SARS, Ebola, cúm A/H1N1 vv…

Nguy cơ các bệnh lây truyền từ động vật sang người xảy ra khi có sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp của con người với động vật, với sản phầm từ động vật, môi trường sống của chúng. Những bệnh này có thể lây truyền qua tiếp xúc với động vật (như bệnh dại lây qua vết cắn), qua môi trường bị nhiễm (như bệnh than) và qua thực phẩm (bệnh liên cầu lợn), hay gián tiếp qua vector truyền bệnh như muỗi hay bọ ve… Cả vật nuôi và động vật hoang dã đều có thể là ổ chứa tác nhân gây bệnh của những bệnh này. 

Những bệnh chúng gây ra ở người có thể nhẹ, nhưng cũng có thể gây tử vong (như Ebola và bệnh dại). Các bệnh lây truyền từ động vật sang người mới nổi trong vài thập niên gần đây như bệnh cúm gia cầm A/H5N1, bệnh Ebola, SARS, và đại dịch cúm A/H1N1, bệnh nhiệt thán, xoắn khuẩn...

Lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh mới nổi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.

Đã có hơn 200 bệnh lây truyền từ động vật sang người được ghi nhận. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh rằng, bệnh lây truyền từ động vật sang người thực sự là nguy cơ ở tất cả các quốc gia. Bởi bệnh lây truyền từ động vật sang người, rồi lại biến đổi lây truyền từ người sang người, làm tăng nguy cơ lây lan giữa các quốc gia, chưa kể một số bệnh còn biến chủng, dễ lây lan, tăng độc lực...

Bệnh lây truyền từ động vật sang người ngày càng gây lo ngại cho sức khỏe con người. Khoảng 60% các bệnh ở người có nguồn gốc từ động vật, và có tới 75% các bệnh truyền nhiễm mới nổi có thể có nguồn gốc từ động vật. 

Tại hội nghị quốc tế phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người diễn ra ở Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Với độc tính cao và sự lây truyền nhanh, các dịch bệnh này không chỉ ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người dân mà còn tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, chính trị của các quốc gia trên toàn cầu”. 

Không chỉ là vấn đề y tế, nhiều bệnh lây truyền từ động vật sang người còn gây cản trở ngành sản xuất thực phẩm có nguồn gốc động vật và trở ngại cho buôn bán thương mại quốc tế các sản phẩm từ động vật.

Điều đáng quan tâm là, những bệnh từ động vật là mối đe dọa đối với y tế công cộng, nhưng phần lớn bệnh lại có thể phòng tránh được. Hiệp hội bảo tồn động vật hoang dã chỉ ra các nguyên nhân để mọi người nhận biết và có thể ngăn chặn: Nhiều loại động vật sống trong môi trường hoang dã thường mang nhiều loại vi sinh vật và ký sinh trùng gây hại, khi con người săn bắt, nuôi làm thực phẩm hay thuốc cổ truyền, sẽ khiến dịch bệnh lây sang động vật nuôi và người. 

Một số loài động vật hoang dã như hươu, nai, lợn rừng, bò rừng có quan hệ gần gũi với động vật nuôi, gia súc được chăn thả tự do cũng chính là điều kiện để các bệnh truyền nhiễm lan rộng. Đặc biệt, việc buôn bán, vận chuyển và gây nuôi động vật hoang dã thực sự là mối tiềm ẩn các loại bệnh đe dọa tới sức khỏe con người và vật nuôi. Ở Việt Nam hiện nay, việc nuôi động vật hoang dã làm thực phẩm, hoặc làm cảnh khá phát triển, chính là nguy cơ phát sinh và lây lan bệnh dịch.

Theo các chuyên gia, tập quán ăn uống cũng là điều kiện lây truyền bệnh, như bệnh SARS là do ăn thịt cầy, chồn nhiễm bệnh; bệnh liên cầu lợn ở người là do ăn tiết canh chế biến từ lợn bệnh; bệnh sán lá gan nhỏ là do ăn gỏi cá; hay bệnh giun bao là do ăn thịt lợn nhiễm bệnh chưa nấu chín. Người dân có tập quán chăn nuôi thủ công, nhỏ lẻ, nhà nào cũng nuôi gà, thậm chí bò trâu ngay dưới nhàâ... Vì thế, nguy cơ xuất hiện các bệnh mới nổi rất nhiều.

Giải quyết vấn đề bệnh lây truyền từ động vật đòi hỏi sự phối hợp đa ngành. Việt Nam đã ban hành Luật Thú y có hiệu lực từ 1-7-2016 với hy vọng góp phần ngăn chặn các bệnh từ động vật sang người. 

Bên cạnh đó, để phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các chuyên gia khuyến cáo: Điều quan trọng nhất là phải kiểm soát được các bệnh dịch trên động vật, chăn nuôi đúng khoa học, vệ sinh môi trường, chuồng trại, nếu phát hiện có trường hợp mắc bệnh phải thực hiện các biện pháp tiêu hủy theo quy định. Không được giết mổ bừa bãi, thực phẩm phải đảm bảo vệ sinh, không ăn thức ăn sống hoặc chưa được chế biến kỹ.

Thanh Hằng
.
.
.