Iraq nỗ lực giành lại thành phố Ramadi từ IS
Theo tin từ hãng Reuters, máy bay chiến đấu của liên minh đã tiến hành tất cả 27 cuộc không kích vào các vị trí của IS tại quận cuối cùng mà nhóm này chiếm đóng ở Ramadi. Khu vực này nằm trên sông Euphrates, cách thủ đô Baghdad 100km về phía Tây và là nơi có đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống.
Một quan chức cấp cao trong lực lượng quân đội Iraq cho biết, nếu được giải phóng, Ramadi sẽ là thành phố lớn thứ 2 của Iraq (sau Tikrit) được lấy lại từ tay IS. Vị quan chức này cũng khẳng định, trong thời gian diễn ra các cuộc không kích, lực lượng bộ binh không được triển khai vì lo ngại sẽ xảy ra những tình huống xấu hoặc không kích nhầm.
Hiện tại, quân đội chỉ còn cách mục tiêu là tòa nhà chính quyền Ramadi có 1,7km nhưng sự hiện diện của dân thường đã làm chậm tiến độ chiến dịch. Các nhà phân tích thì nhận định, những thắng lợi ban đầu trong chiến dịch ở Ramadi đã khuyến khích quân đội Iraq tiến hành thêm nhiều đợt tấn công mới nhằm vào IS, cũng như truy lùng các thành viên của tổ chức này đang nằm rải rác ở các vùng khác.
Xe tăng của quân đội Iraq đang tiến sâu vào trung tâm Ramadi. Ảnh: Reuters. |
Hôm 24-12, cơ quan tình báo Iraq đã bắt giữ 40 thành viên của IS tại Baghdad và Diyala. Nhiều bom tự chế, dây đai đánh bom liều chết và ôtô có chứa bom của bọn chúng cũng đã bị tịch thu cùng một lượng lớn tiền mặt…
Chiến dịch nhằm đánh bật IS ra khỏi Ramadi được quân đội Iraq thực hiện từ sáng sớm 22-12. Đại tá Steven H.Warren, người phát ngôn của quân đội Mỹ tại Iraq cho biết, quyết định đánh IS tại Ramadi được đưa ra sau khi cơ quan tình báo có thông tin rằng chỉ còn gần 1.000 chiến binh IS trụ lại ở thành phố này, trong đó có 300 kẻ sẵn sàng đánh bom liều chết. Và để giảm thiểu những tổn thất về người, quân đội Mỹ đã hỗ trợ Iraq bằng cách cho máy bay chiến đấu vòng trên không trung để rải truyền đơn, khuyến cáo người dân sơ tán đến khu vực an toàn.
Nhưng với bản chất thú tính, các thành viên của IS đã sử dụng đòn này để làm ngược lại, tức là bắt dân thường Iraq làm lá chắn sống cho mình. Thậm chí, chúng còn phá hủy hàng loạt cây cầu bắc qua sông vào thành phố này. Vì thế, mặc dù rất nôn nóng muốn giành lại Ramadi ngay lập tức nhưng mọi bước tiến của binh lính đều phải được tính toán kỹ càng vì quyền lợi và sự an nguy của người dân.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm chiến trường của cá nhân, Đại tá Steven H.Warren vẫn nhận định rằng, IS khó lòng trụ được đến hết tháng 12. Trong khi đó, một sĩ quan quân đội Iraq thì cho hay, chiến dịch chống IS ở Ramadi đang được thực hiện theo 3 ngả, ngả đầu tiên là tuyến quốc lộ kéo dài từ thành phố Fallujah gần đó tới Ramadi. Con đường thứ 2 là đường không do liên quân phụ trách. Ngả đường thứ 3 mới được kiến tạo là chiếc cầu phao trị giá hơn 13 triệu USD do Mỹ trợ giúp cung cấp đã dưa các binh sĩ Iraq và trang thiết bị hạng nặng vượt sông Euphrates, tiến vào trung tâm thành phố.
Rõ ràng, các chiến dịch chống IS ở cả Iraq và Syria đang ngày càng được mở rộng. Sự đoàn kết của các nước trong việc đánh đuổi và tiêu diệt IS đã giúp cho chiến dịch chống khủng bố có thêm những thành công mới.
Tạp chí nghiên cứu quân sự của Anh HIS Janes hôm 22-12 đã nhận định rằng, năm 2015, sức mạnh và ảnh hưởng của IS ở Trung Đông cũng đã suy giảm đáng kể. Chẳng hạn, diện tích phần lãnh thổ mà chúng kiểm soát đã giảm tới 14%, tương đương 12.800km². Bên cạnh đó, một số nguồn cung tài chính của IS cũng bị tổn hại, nhất là doanh thu từ việc bán lậu dầu thô.
Chính vì lẽ thế mà từ tháng 9 năm nay, IS bắt đầu mở rộng phạm vi bành trướng của mình ra các quốc gia ở châu Phi. Cụ thể, cuối tháng 11, chúng đã chiêu mộ và thực hiện thành công các cuộc tấn công ở Tunisia, nhận được sự cam kết trung thành của nhóm khủng bố ở Nigeria tên là Boko Haram. Chúng cũng kiểm soát luôn thành phố Sirte của Libya, cửa ngõ dẫn đến nhiều khu vực có dầu mỏ, nhà máy lọc dầu.
Tờ Washingtonpost ngày 25-12 còn dẫn lời một quan chức tình báo Mỹ cho hay, IS đang lên kế hoạch và ráo riết chuẩn bị cho việc thành lập một “tiểu vương quốc Arab” tại quốc gia Đông Phi Somalia, nơi mà các luật lệ còn lỏng lẻo và sự quản lý của nhà nước vẫn yếu kém. Để xây dựng được một “tiểu vương quốc Arab” ở Somalia, IS đã sẵn sàng đánh bật mạng lưới khủng bố Al-Qaeda ra khỏi khu vực này và chiến đấu lại với cả nhóm Hồi giáo vũ trang Al-Shabaab.
Cho đến nay, hàng trăm chiến binh của Al-Shabaab đã rời bỏ hàng ngũ và chạy về phía IS. Chúng cũng đã mở một căn cứ ở vùng biên giới Kenya-Somalia, tiến hành nhiều vụ tấn công khủng bố hoặc sát hại nhằm vào thủ lĩnh cấp cao của Al-Shabaab cũng như Al-Qaeda; dùng tiền mua chuộc các giáo sĩ Hồi giáo trong khu vực.
Song song với đó, IS còn tìm kiếm cơ hội lôi kéo những người Hồi giáo cực đoan ở châu Á, nhất là các quốc gia Hồi giáo ở Đông Nam Á; tuyển mộ tân binh là người Nga, Pháp, Anh, Đức và cả những người dân tị nạn đang được các quốc gia châu Âu rộng mở cửa đón chào.