WHO hủy báo cáo sơ bộ về chuyến điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc?
- Mỹ hoài nghi dữ liệu nguồn gốc COVID-19 Trung Quốc gửi cho WHO
- WHO thu được gì sau chuyến điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Trung Quốc?
- Chuyên gia WHO chuẩn bị tiến hành điều tra nguồn gốc COVID-19
“Sẽ có báo cáo đầy đủ trong vài tuần tới", người phát ngôn của WHO, Tarik Jasarevic cho biết hôm 4/3.
Hiện chưa có thêm thông tin nào về lý do chậm trễ trong việc công bố kết quả điều tra của phái bộ do WHO dẫn đầu tới thành phố Vũ Hán, nơi phát hiện những ca nhiễm COVID-19 ở người vào cuối năm 2019.
Nhóm chuyên gia WHO thực hiện sứ mệnh điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Vũ Hán hồi tháng 1/2021. (Ảnh: AP) |
Trong bức thư ngỏ, nhóm 26 nhà khoa học hôm 4/3 đã kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế mới. Họ nói rằng việc không được tiếp cận đầy đủ để điều tra về các giả thuyết liên quan nguồn gốc COVID-19, bao gồm cả giả thuyết virus có "lọt" từ phòng thí nghiệm hay không đã khiến cho sứ mệnh không thể hoàn thành.
“Do đó, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng nhóm điều tra của WHO đã không có quyền hạn, sự độc lập hoặc quyền tiếp cận cần thiết để thực hiện một cuộc điều tra đầy đủ và không hạn chế đối với tất cả các giả thuyết về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 có liên quan", bức thư có đoạn viết.
Viện Virus học Vũ Hán đã thu thập các mẫu virus trên diện rộng, dẫn đến các cáo buộc rằng đây là nơi có thể đã gây ra đợt bùng phát ban đầu do làm rò rỉ virus ra bên ngoài cộng đồng. Trung Quốc đã kịch liệt bác bỏ khả năng đó, đồng thời thúc đẩy các giả thuyết khác cho rằng virus có thể bắt nguồn từ nơi khác, bao gồm cả Mỹ.
Nhóm nghiên cứu đang xem xét một số giả thuyết về việc căn bệnh này lần đầu tiên xuất hiện ở người như thế nào.
Tháng trước, ông Dominic Dwyer, một trong những chuyên gia của nhóm điều tra cho biết Trung Quốc đã từ chối cung cấp dữ liệu thô về 174 ca nhiễm COVID-19 ban đầu tại Vũ Hán, bao gồm thông tin chi tiết về các ca bệnh. Thay vào đó, Bắc Kinh chỉ đưa ra bản tóm tắt sơ bộ.
Cuộc điều tra đã bị cản trở bởi sự chậm trễ, lo ngại về khả năng tiếp cận và tranh cãi giữa Bắc Kinh và Washington, vốn cáo buộc Trung Quốc che giấu mức độ bùng phát ban đầu và chỉ trích các điều khoản của chuyến thăm.
Các chuyên gia của WHO đã dành một tháng ở Trung Quốc, với hai tuần cách ly đầu tiên và dành khoảng thời gian còn lại để điều tra thực địa tại Vũ Hán và có mặt tại nhiều điểm bao gồm chợ hải sản Hoa Nam, Viện virus học Vũ Hán, phòng thí nghiệm CDC Vũ Hán.
Ngày 9/2, chuyên gia về an toàn thực phẩm và bệnh động vật của WHO, Peter Ben Embarek, cho biết giả thuyết nguồn gốc của đại dịch COVID-19 bị rò rỉ từ Viện virus học Vũ Hán là "cực kỳ khó xảy ra".
Tuy nhiên, người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 12/2 cho biết tổ chức này chưa loại bỏ bất cứ giả thuyết nào về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2. "Sau khi nói chuyện với các thành viên của nhóm chuyên gia, tôi muốn khẳng định rằng mọi giả thuyết đều vẫn đang mở và cần thêm nhiều nghiên cứu, tìm hiểu", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.