“Tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng luật pháp quốc tế”

Thứ Bảy, 10/09/2016, 07:53
Đây là nhận định của các nhà khoa học Nga tại Hội thảo bàn tròn với chủ đề “Biển Đông – những con đường pháp lý dẫn tới hòa bình và ổn định” diễn ra tại Moskva, Nga hôm 8-9. 


Phát biểu tại hội thảo, ông Grigori Lokshin, Tổng Thư ký BCH Hiệp hội Quốc tế Quỹ Hòa bình tại Vienna (Austria), cán bộ khoa học hàng đầu của Viện Viễn Đông, Viện hàn lâm Khoa học Nga, nhắc lại sự kiện Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) công bố phán quyết ngày 12-7 vừa qua, theo đó không công nhận yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng thời cho biết Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử ở vùng biển này.

Ông Lokshin cho rằng, phán quyết từ PCA có ý nghĩa quan trọng trong việc giải thích rõ ràng các quy định của UNCLOS và tất cả các vấn đề khác mà các bên cùng quan tâm trên cơ sở luật pháp quốc tế. Phán quyết từ PCA trở thành một điều kiện tiên quyết và cơ sở pháp lý cho các bên liên quan trong khu vực tiếp tục đối thoại và hợp tác trong tương lai.

Phán quyết từ PCA đã bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc ở Biển Đông, cung cấp công cụ pháp lý và khuyến khích dư luận các quốc gia vừa và nhỏ của khu vực Đông Nam Á bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trong khu vực tranh chấp biển; từ chối đòi hỏi của Trung Quốc, đặc biệt là những kế hoạch lớn của họ trong việc xây dựng một “con đường tơ lụa trong thế kỷ XXI”.

Các chuyên gia và nhà khoa học tham gia cuộc hội thảo bàn tròn gồm cả các nhà Việt Nam học, các cựu chiến binh từng công tác ở Việt Nam, cả các nhà nghiên cứu luật pháp quốc tế của Nga đã cùng nhau thảo luận về tình hình trong khu vực và bày tỏ hy vọng rằng, các tranh chấp ở Biển Đông sẽ được giải quyết bởi các quốc gia liên quan bằng con đường hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, bằng con đường đàm phán và không có sự can thiệp của các quốc gia ngoài khu vực.

PV
.
.
.