Giao tranh ở Nagorno-Karabakh khiến 5 nghìn người thiệt mạng
- Putin mời ngoại trưởng Armenia-Azerbaijan đến Moscow ngay hôm nay
- Putin tuyên bố sẵn sàng thực hiện cam kết đồng minh quân sự với Armenia
- Tiếp tục leo thang căng thẳng tại khu vực Nagorno-Karabakh
Hiện trường một vụ pháo kích ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: TASS |
Phát biểu bên lề Câu lạc bộ Đối thoại Valdai hôm 22/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết số người chết vì chiến sự ở Nagorno-Karabakh khoảng gần 5.000 người. "Mỗi bên đều có nhiều người chết, hơn 2.000 người ở mỗi bên", ông Putin nói, theo Reuters.
Số liệu trên do Nga tổng hợp. Lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh thông báo 874 binh sĩ và 37 dân thường thiệt mạng vì giao tranh. Azerbaijan thông báo 61 người dân qua đời vì pháo kích, nhưng không tiết lộ thương vong quân sự.
Nga có vị thế đặc biệt ở khu vực và đang tiến hành nhiều biện pháp ngoại giao hạ nhiệt xung đột Nagorno-Karabakh. Từ khi chiến sự nổ ra hôm 27/9, Nga hai lần kêu gọi thành công lệnh ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan, song các lệnh ngừng bắn này đều đã đổ vỡ.
Theo lời Tổng thống Nga, ông liên tiếp trao đổi với lãnh đạo hai nước tham chiến, thậm chí có thời điểm tiến hành nhiều cuộc điện đàm trong một ngày. Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng có các cuộc trao đổi với người đồng cấp Armenia và Azerbaijan.
Ông Putin cũng cho hay Nga đã đề nghị và được Mỹ giúp đỡ tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột. Sputnik trước đó nói rằng ngoại trưởng Armenia và Azerbaijan dự kiến gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong ngày hôm nay (23/10, giờ Mỹ).
Về Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Azerbaijan, ông Putin cho biết Nga không đồng tình với quan điểm của Ankara trong cuộc xung đột. Truyền thông khu vực gần đây cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai hàng ngàn các tay súng từ Syria và máy bay không người lái tới hỗ trợ đồng minh Azerbaijan. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi đầu tháng đã xác nhận thông tin, nhưng Azerbaijan sau đó lên tiếng bác bỏ.
Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ được quốc tế công nhận của Azerbaijan-quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Tranh cãi về vùng đất này khiến hai bên lao vào cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia. Sau cuộc chiến, Azerbaijan mất quyền kiểm soát khu vực này vào tay lực lượng ly khai thân Armenia.