Tiếp tục leo thang căng thẳng tại khu vực Nagorno-Karabakh

Thứ Tư, 14/10/2020, 21:11
Giao tranh tái diễn giữa các lực lượng của Armenia và Azerbaijan tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh bất chấp việc các cường quốc và nhóm trung gian Minsk liên tục kêu gọi hai bên tuân thủ lệnh ngừng bắn, làm dấy lên quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây.

Ngày 13/10, Azerbaijan và Armenia lại tiếp tục cáo buộc lẫn nhau vi phạm lệnh ngừng bắn mới đạt được cuối tuần qua tại khu vực xung đột Nagorno-Karabakh. 

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Azerbaijan, ông Vagif Dargiahly, cho biết Armenia đã nã pháo vào các thành phố Goranboy, Aghdam và Terter thuộc lãnh thổ Azerbaijan, đồng thời khẳng định các lực lượng Azerbaijan không vi phạm lệnh ngừng bắn. 

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Armenia Shushan Stepanyan đã bác bỏ các cáo buộc, và nói rằng Azerbaijan đã nối lại các hoạt động quân sự, thực hiện các vụ nã pháo từ nhiều hướng. 

Armenia – Azerbaijan tiếp tục tái diễn giao tranh ác liệt, kể cả sau khi đạt được lệnh ngừng bắn. (Ảnh: Reuters)

Trước đó, hôm 10/10, Armenia và Azerbaijan thông báo ngừng bắn theo thỏa thuận đạt được do Nga bảo trợ, để trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng do giao tranh. 

Tuy nhiên, ngay trong ngày 10 và 11/10, Armenia tố phía Azerbaijan pháo kích vào một khu dân cư bên trong Armenia, lực lượng người Armenia ở Nagorno-Karabakh cáo buộc các binh sĩ Azerbaijan nã pháo ngay 5 phút sau khi lệnh ngừng bắn bắn đầu, làm 2 người chết. Chính quyền Azerbaijan thì cho biết lực lượng Armenia ở Nagorno-Karabakh pháo kích vào thành phố Ganja lớn thứ hai Azerbaijan, khiến ít nhất một dân thường thiệt mạng.

Xung đột ở vùng Nagorno-Karabakh bắt đầu leo thang căng thẳng vào ngày 27/9, khi cả Baku và Yerevan đều cáo buộc nhau châm ngòi cho các hành động thù địch quân sự. 

Theo thống kê của AFP, sau hơn hai tuần bùng phát giao tranh kể từ hôm 27/9, đã có tổng cộng gần 600 người thiệt mạng, trong đó có 73 dân thường. “Dân thường đang đối mặt nguy cơ thiệt mạng hoặc bị thương. Các ngôi nhà, công việc làm ăn và những con phố đông người qua lại giờ trở thành đống đổ nát”, Giám đốc khu vực Á-Âu của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) Martin Schuepp cho biết. 

ICRC cảnh báo hàng chục nghìn người có thể cần cứu trợ trong những tháng tới và hiện cơ quan này đang kêu gọi quyên góp thêm 10 triệu USD để triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại khu vực.

Khi cuộc xung đột bùng phát bạo lực mới, giới quan sát cho rằng việc này sẽ kéo theo sự tham gia của các nước khác trong khu vực. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng ủng hộ Azerbaijan cả trên lĩnh vực ngoại giao và quân sự, trong khi Nga, Pháp, Liên hợp quốc và các thành viên khác của cộng đồng quốc tế kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức, thúc giục các bên quay trở lại các cuộc đàm phán do nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) làm trung gian.

Tuy nhiên, phía Armenia cảnh báo, sự can dự và tham vọng bành trướng sang Nam Caucasus của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ biến Nagorno-Karabakh và toàn bộ Caucasus thành vùng chiến sự như Syria. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố chỉ khi nào Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi quan điểm về Nagorno-Karabakh thì Azerbaijan mới ngừng hành động quân sự tại vùng lãnh thổ nhỏ bé ở Nam Caucasus này. 

“Armenia và Azerbaijan đã bày tỏ sẵn sàng nối lại đàm phán trong khung thời gian sớm nhất. Nhưng phạm vi của vấn đề rộng hơn, đó là vì Thổ Nhĩ Kỳ đến Nam Caucasus để tiếp tục chính sách giống như họ đang thực hiện ở Địa Trung Hải chống lại Hy Lạp và Síp hay như những gì mà họ đang làm ở Syria và Iraq. Tôi nghĩ, Thổ Nhĩ Kỳ không nên can dự vào đàm phán về Nagorno-Karabakh bởi họ không muốn đàm phán giải quyết vấn đề mà thực chất muốn giành quyền hợp pháp để có mặt tại Nam Caucasus”, Thủ tướng Pashinyan nhấn mạnh.

Trong một diễn biến liên quan, Ankara hôm 13/10 đã lên tiếng kêu gọi một cuộc đàm phán bốn bên giữa Nga, Azerbaijan, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. 

“Vì Nga đứng về phía Armenia và chúng tôi, Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ Azerbaijan, ‘bộ tứ’ chúng ta hãy gặp nhau để giải quyết những vấn đề này. Nếu nhóm Minsk không thể tìm ra giải pháp trong hơn 30 năm, thì đã đến lúc phải tìm ra một cơ chế mới", Ibrahim Kalin, người phụ trách truyền thông của Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

Armenia thuộc nhóm an ninh khu vực do Nga dẫn đầu nhưng Moscow trong hai tuần qua dường như đã giữ quan điểm không tham gia trực tiếp vào xung đột mà đóng vai trò trung gian hòa giải, theo AFP. 

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây thêm căng thẳng cho quan hệ đồng minh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. 

Về phần mình, Tổng thống Armenia Armen Sarkiskyan ngày 13/10 bày tỏ sự tin tưởng về vai trò trung gian hòa giải khách quan của Nga trong các cuộc đàm phán bởi quốc gia này có mối quan hệ tốt với cả Armenia và Azerbaijan. Ông Sarkiskyan cũng đánh giá cao nỗ lực của Pháp trong việc giải quyết xung đột nhưng nhấn mạnh rằng, nỗ lực của châu Âu chưa đủ mạnh để có thể mang đến một giải pháp toàn diện.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong một phát biểu hôm 14/10 cho biết, Moscow đã đề xuất với Azerbaijan và Armenia về một kế hoạch triển khai lực lương gìn giữ hòa bình hoặc quan sát viên quân sự đến Nagorno-Karabakh nhằm duy trì lệnh ngừng bắn cũng như hạ nhiệt xung đột. 

Đáp lại lời đề nghị của Moscow, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết một kế hoạch như vậy chỉ có thể diễn ra với sự đồng thuận của cả Baku và Yerevan. Tuy nhiên, Tổng thống Aliyev cho rằng thỏa thuận trên nên có sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ.


Hồ Thiên (Tổng hợp)
.
.
.