Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan

Chủ Nhật, 12/03/2017, 08:10
Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan đang rơi vào tình trạng căng thẳng ngoại giao, khi chính phủ Hà Lan từ chối cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ đến nước này và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả khi gọi Hà Lan là "tàn tích của Đức Quốc xã".

Ngày 11-3, Thổ Nhĩ Kỳ đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại nước này với lý do "đảm bảo an ninh", như là một hành động trả đũa.

Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng lên tiếng phản đối việc Hà Lan không cho phép ông này nhập cảnh bằng đường hàng không, cho rằng đây là một hành động “không thể chấp nhận được." 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Reuters.

Còn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan thì phản ứng dữ dội trước quyết định của Hà Lan bằng cách gọi Hà Lan là "tàn dư của chế độ Đức quốc xã".

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã lên án tuyên bố này của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khi gắn Hà Lan với chủ nghĩa phátxít, cho rằng đó là "vượt quá giới hạn."

Nguồn gốc của hàng loạt hành động ăn miếng trả miếng này xuất phát từ cuộc trưng cầu dân ý kéo dài vào tháng 4 ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi ông Erdoğan hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của công chúng đối với các cải cách hiến pháp để tăng cường quyền lực của mình.

Trước cuộc bầu cử, ông Erdogan đã phái các bộ trưởng trong chính phủ đến các nước châu Âu nơi có số lượng lớn người Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống để vận động họ ủng hộ. Khoảng 1,4 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bỏ phiếu tại Đức và một lượng người không nhỏ sinh sống ở Hà Lan.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã lên kế hoạch tham dự cuộc biểu quyết được tổ chức tại Rotterdam (Hà Lan) vào ngày 11-3, nhưng bị nước chủ nhà từ chối với lý do không đảm bảo an toàn, an ninh.

Người biểu tình TNK với lá cờ có hình Tổng thống, đang tụ tập bên ngoài lãnh sự quán để chào đón thành viên chính phủ TNK. Ảnh Reuters

Khi ông Cavusoglu nhấn mạnh rằng ông bất chấp tất cả để đến Hà Lan, chính phủ Hà Lan đã đưa ra một quyết định khẩn cấp, ngăn chặn chuyến bay của ông hạ cánh. Chính phủ Hà Lan nói họ phản đối bất kỳ nước nào thực hiện các sự kiện chính trị trên đất của họ.

Cuộc tranh cãi này thổi bùng những căng thẳng giữa chính quyền của Tổng thống Erdoğan và một số cường quốc chủ chốt của Tây Âu, mặc dù hai bên về lý thuyết có vẻ là anh em một nhà trong liên minh quân sự NATO.

Các nước EU đã công khai bày tỏ mối lo ngại của họ rằng ông Erdoğan đang dẫn dắt đất nước của ông theo con đường ngày càng độc tài và đã sử dụng nỗ lực đảo chính thất bại chống lại ông hồi tháng 7 năm ngoái như là một cái cớ để dập tắt những người bất đồng quan điểm với mình.

Duy Tiến
.
.
.