Châu Âu quyết ngăn Thổ Nhĩ Kỳ cải cách hiến pháp

Thứ Bảy, 11/03/2017, 20:03
Chính phủ Hà Lan tuyên bố đã thu hồi giấy phép hạ cánh đối với máy bay của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỹ Mevlut Cavusoglu nhằm ngăn ông này tới Hà Lan để vận động chính trị.

AP hôm 11-3 đưa tin cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép của máy bay chở ông Mevlut Cavusoglu với lí do chuyến thăm của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ "có thể tạo ra nguy cơ về trật tự và an ninh công cộng”, theo đó trở thành quốc gia châu Âu thứ 3 cố gắng ngăn cản Ankara cải cách hiến pháp.

Chia sẻ với truyền thông, Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho hay chính phủ nước này xem chuyến đi này là "không mong muốn" và sẽ không thúc đẩy, không hợp tác tổ chức cũng như tạo điều kiện cho chuyến đi.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: Reuters.

Trước đó, Đức và Áo cũng đã cấm các chính trị gia Thổ Nhĩ Kỳ vận động cộng đồng người Thổ tại các nước này ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp nhằm tăng quyền lực cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Liên quan đến vụ việc, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cùng ngày khẳng định sẽ vẫn tới Hà Lan theo đúng kế hoạch để vận động cộng đồng Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách hiến pháp, bất chấp quan điểm của chính quyền nước chủ nhà.

Ngoài ra, nhà ngoại giai Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh Ankara sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn về kinh tế và chính trị đối với Hà Lan nếu Amsterdam cản trở chuyến thăm này.

Hành động của Hà Lan, Đức và Áo theo giới quan sát, còn có thể gây căng thẳng giữa các nước đồng minh NATO xung quanh tình hình chính trị của một quốc gia đơn lẻ.

Hôm 6-3, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng cáo buộc Đức có những "hành động phát xít" giống như thời Đức Quốc Xã khi ngăn chặn các cuộc tuần hành hòa bình của khoảng 1.5 triệu người Đức gốc Thổ.

Được biết, nhiều nước châu Âu hiện lo ngại rằng Tổng thống Erdogan đang lợi dụng nỗi sợ hãi hậu đảo chính để xây dựng một hệ thống chính trị độc đoán hơn với ít người có khả năng kiểm soát quyền lực của vị tổng thống.

Liên minh Châu Âu, theo một thỏa thuận kí kết với Thổ Nhĩ Kỳ hồi 2016, phải dựa vào Ankara để ngăn chặn thêm người nhập cư tràn vào châu Âu.

Phùng Nguyễn
.
.
.