Thổ Nhĩ Kỳ "lùa" người tị nạn qua châu Âu giữa dịch COVID-19
- Hơn 6.000 người tị nạn Syria bị "đá" khỏi Istanbul
- Hồi hương chiến binh IS và người tị nạn Syria - bài toán khó của Thổ Nhĩ Kỳ
- Người Iran mang COVID-19 bay ngược vào Trung Quốc
Reuters ngày 6/3 dẫn thông báo của Liên minh châu Âu (EU) cho biết khối đã chấp nhận chi thêm gần 500 triệu euro để viện trợ cho khoảng 3,6 triệu người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ cùng các biện pháp cụ thể khác để hạ nhiệt cuộc khủng hoảng người tị nạn ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp.
Người tị nạn áp sát hàng rào tại khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ- Hy Lạp. Ảnh: Reuters |
Khoản tiền khủng này sẽ được thông báo bổ sung vào khoảng 6 tỷ euro, vốn đã giải ngân quá một nửa, mà EU quyết định tài trợ cho các chương trình hỗ trợ người tị nạn Syria ở Thổ Nhĩ Kỳ. EU cũng quyết định nới lỏng một phần chính sách visa cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Động thái trên được tiến hành sau khi Ankara cuối tháng 2 tuyên bố sẽ mở cửa biên giới để người tị nạn Syria tràn qua biên giới Hy Lạp, buộc giới chức Athens điều động lực lượng an ninh tới ngăn cản.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận hàng triệu người tị nạn Syria từ khi cuộc nội chiến Syria nổ ra cách đây 9 năm. Châu Âu năm 2016 đạt thoả thuận với Thổ Nhĩ Kỳ để nước này giữ người tị nạn lại, đổi lấy các khoản viện trợ khổng lồ từ EU.
Trước động thái mới nhất, EU cáo buộc Ankara sử dụng người tị nạn như một nguồn gây áp lực buộc châu Âu phải ủng hộ chính trị cho chiến dịch quân sự mà người Thổ này đang tiến hành ở tỉnh Idlib của Syria.
Hôm 5/3, Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí triển khai 1.000 cảnh sát tới biên giới nhằm ngăn dòng người tị nạn quay lại, đồng thời lên án Hy Lạp ngược đãi người tị nạn. Các vụ đụng độ ở biên giới đã khiến gần 200 người tị nạn bị thương.
Giới chuyên gia lo ngại một cuộc khủng hoảng người di cư mới sẽ nổ ra ở châu Âu, nhất là trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (COVID-19) đang diễn biến phức tạp. Chưa kể nếu để tình hình vượt biên trái phép ồ ạt thì hơn 3 tỷ euro mà EU chi ra trong vài năm qua là vô nghĩa.
Châu Âu những ngày qua thể hiện vai trò tích cực nhằm hạ nhiệt tình hình ở Idlib, trong bước đi tìm giải pháp xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ. Đức, quốc gia đầu tàu EU, nỗ lực gây sức ép hối thúc Nga mở đường cho các cuộc đối thoại chính trị ở Idlib.