Thảm kịch 11-9: Bài toán về khủng bố sau 15 năm vẫn chưa có lời giải

Chủ Nhật, 11/09/2016, 09:16
Hôm nay, tròn 15 năm xảy ra vụ tấn công khủng bố làm rung động nước Mỹ ngày 11-9-2001, để lại hậu quả lâu dài với nền kinh tế số một thế giới, và cũng tròn 15 năm sau khi Mỹ phát động cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, vẫn còn nhiều người đặt câu hỏi rằng, vì sao nó xảy ra, thậm chí nghi ngờ về sự thật đằng sau sự kiện này.

Trong khi đó, nước Mỹ đang mắc kẹt trong cuộc chiến chống khủng bố và không giành được ưu thế trước chủ nghĩa cực đoan đang truyền cảm hứng cho các nhóm khủng bố.

Những nghi ngờ và bế tắc

Ngày 11-9-2001, 19 tên không tặc đã khống chế 4 máy bay Boeing chở khách và tấn công vào các địa điểm quan trọng của nước Mỹ, trong đó có Bộ Quốc phòng và Tòa tháp đôi ở thành phố New York, khiến khoảng 3.000 người thuộc hơn 90 quốc gia thiệt mạng.

Theo điều tra của Viện Kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia Mỹ (NIST) tiến hành hồi tháng 8-2002, Tòa tháp đôi bị sụp đổ do hỏa hoạn phát sinh sau vụ đâm máy bay. Tuy nhiên, hôm 7-9, sau 6 năm tiến hành các phân tích, một nhóm chuyên gia, kỹ sư về xây dựng tại Mỹ bất ngờ đưa ra tuyên bố gây sốc rằng, Tòa tháp đôi không thể bị đánh sập bằng máy bay. Thay vào đó, các kỹ sư hàng đầu tin rằng, tòa tháp đôi có thể bị đánh sập bằng một “sự phá hủy được kiểm soát”.

Trong một lá thư gửi tới tờ Europhysics News, nhóm các kỹ sư này đã nhấn mạnh bốn điểm quan trọng dẫn đến kết luận của họ. Thứ nhất, hỏa hoạn thường không đủ nóng để đốt chảy cả một khối cấu trúc thép lớn để có thể dẫn đến sập. Thứ hai, phần lớn các tòa nhà chọc trời đều có hệ thống chống cháy và ngăn ngừa các đám cháy lớn nung chảy kết cấu thép. Thứ ba, các tòa nhà chọc trời thường sử dụng các vật liệu chống cháy và cuối cùng, chúng cũng được thiết kế để nếu xảy ra hỏa hoạn cũng không bị sụp đổ.

Ngay cả John Skilling, kỹ sư về cấu trúc của tòa Trung tâm Thương mại Thế giới, hồi năm 1993 từng khẳng định, tòa nhà được thiết kế đặc biệt có thể chống chịu nếu có bị máy bay đâm vào.

Trong một cuộc phỏng vấn với Seattle Times sau này, chính vị kỹ sư này cũng thừa nhận rằng: “Toàn bộ nhiên liệu từ máy bay có thể đã chảy vào trong tòa nhà. Có thể đã xảy ra một vụ hỏa hoạn khủng khiếp. Có thể rất nhiều người bị chết nhưng cấu trúc tòa nhà sẽ vẫn còn ở đó”.

Riêng tòa tháp số 7, không bị máy bay đâm nhưng cũng bị sụp đổ hoàn toàn và được lý giải là do hỏa hoạn là không hợp lý. Sau đó, ông còn bình luận rằng, theo quan điểm của ông, điều duy nhất có thể khiến tòa nhà bị sụp là do có xảy ra nổ.

Vụ khủng bố 11-9-2001.

Liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố, Chủ tịch Ủy ban 11-9 Thomas Kean nhận định, sau 15 năm tiến hành chiến dịch Tự do Bền vững (10-2001), cho tới nay, nước Mỹ vẫn đang bế tắc trong cuộc chiến này. Mặc dù không phải đối mặt với vụ tấn công nào quy mô như vụ 11-9 trong 15 năm qua, nhưng nước Mỹ lại phải đương đầu với hàng loạt vụ khủng bố nhỏ lẻ.

Bên cạnh đó, tình hình chống khủng bố trên thế giới thậm chí còn trở nên nguy hiểm hơn với sự trỗi dậy của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, cùng nhiều phần tử cực đoan tại châu Phi, Trung Đông và Nam Á. Đồng Chủ tịch Ủy ban 11-9 Lee Hamilton cũng thừa nhận, mặc dù Chính phủ đầu tư hàng tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố nhưng vẫn chưa đạt được hiệu quả.

Ông Hamilton kêu gọi cải thiện tình hình này và tiến hành một số cải tiến cũng như đổi mới, nếu không sẽ “lãng phí thêm 15 năm nữa mà không đưa ra được một chiến lược đúng đắn”.

Nền kinh tế bị khoét sâu

Sau 15 năm, thảm kịch 11-9 vẫn là sự kiện “hao người, tốn của” bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Bên cạnh mất mát về người, nền kinh tế Mỹ cũng gánh những thiệt hại to lớn.

Theo ước tính của tờ Thời báo New York, việc Tòa tháp đôi bị đánh sập, ngoài 8 tỉ USD là giá trị của tòa nhà cùng 2 chiếc phi cơ đã trở thành đống đổ nát và khói bụi, còn gây thiệt hại khoảng 14 tỉ USD cho toàn bộ thành phố New York. Nếu tính tất cả thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thiết bị, chi phí chữa trị người bị thương hay mất mát với những người thiệt mạng cũng như khoản tiền cho dọn dẹp và các hoạt động khắc phục hậu quả khác lên tới 58,8 tỷ USD.

Loạt tấn công này cũng làm gián đoạn nhiều chính sách thuế của Mỹ, bao gồm việc giảm 3,5 tỷ USD ở New York trong 18 tháng đầu tiên sau sự kiện. Trên phương diện liên bang, vụ tấn công năm 2001 buộc Cục dự trữ Liên bang Mỹ phải hạ lãi suất và duy trì lãi suất thấp kéo dài. Bên cạnh đó, thảm kịch 11-9 còn thổi bùng lên tâm lý sợ bay trong xã hội Mỹ.

Theo số liệu của Fiscal Times, chỉ tính riêng trong năm 2001, các ngành hàng không Mỹ đã phải gánh thiệt hại 7 tỷ USD. Không dừng ở đó, trong giai đoạn 2001 tới 2010, ngành công nghiệp hàng không của Mỹ tiếp tục phải gánh tổn thất lên tới 74 tỷ USD. Vụ khủng bố còn là đòn đánh mạnh vào ngành công nghiệp du lịch của Mỹ. Chỉ 2 tuần sau ngày 11-9 định mệnh, ngành du lịch báo lỗ 2 tỷ USD. Cùng với đó là 335.000 người mất việc làm chỉ trong một năm sau.

Chưa hết, chi phí an ninh cũng đột ngột tăng vọt. Kể từ tháng 9-2001, chi tiêu của Mỹ cho an ninh nội địa tăng gấp nhiều lần. Cùng với đó là sự ra đời của Bộ An ninh Nội địa Mỹ (DHS) vào năm 2002 như một phần của Đạo luật An ninh Nội địa, ra đời sau khi nước Mỹ bị đánh một đòn chí tử.

Theo số liệu của Thời báo New York, DHS và các hoạt động phòng vệ sau sự kiện 11-9 đã khiến chi tiêu quốc phòng của Mỹ tăng lên 589 tỷ USD, tương đương 630 tỷ USD theo tỷ giá năm 2016.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cho phép kiện Saudi Arabia vì vụ 11-9

Ngày 9-9, Hạ viện Mỹ đã biểu quyết thông qua dự luật “Công lý chống bảo trợ hành động khủng bố” (JASTA) cho phép gia đình các nạn nhân trong vụ khủng bố 11-9-2001 khởi kiện Chính phủ Saudia Arabia về những mất mát mà họ phải hứng chịu. Trước đó, hồi tháng 5, Thượng viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này.

JASTA cho phép những người sống sót và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố kiện các chính phủ nước ngoài tại tòa án liên bang Mỹ và đòi bồi thường nếu các chính phủ đó bị chứng minh phải chịu tránh nhiệm trong các cuộc tấn công trên đất Mỹ.

Trong số 19 tên không tặc tham gia các vụ cướp máy bay để tấn công vào Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, Lầu Năm Góc và Pennsylvania có 15 tên là công dân Saudi Arabia. Chính phủ Saudi Arabia đã phủ nhận liên quan vụ việc này và nhiều lần vận động hành lang phản đối dự luật trên.

Những người phản đối dự luật cũng cho rằng việc thông qua văn bản luật như vậy sẽ làm xói mòn mối quan hệ với Saudi Arabia, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở Trung Đông.

Cùng ngày, Nhà Trắng đã tái khẳng định Tổng thống Barack Obama sẽ phủ quyết dự luật này.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.