Số ca tử vong vì COVID-19 tăng quá cao, Thủ tướng Anh "không thể ngồi yên"

Chủ Nhật, 26/04/2020, 08:26
Vào thời điểm số ca tử vong vì COVID-19 tại Anh đã vượt mức 20.000, chính phủ nước này thông báo Thủ tướng Boris Johnson sẽ trở lại làm việc từ ngày 27/4 sau nhiều tuần điều trị COVID-19, cầm trịch cuộc chiến chống đại dịch tại Anh.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: Getty

Theo người phát ngôn của Downing Street cho biết chiều 25/4 (giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson đã hồi phục sau nhiều tuần điều trị COVID-19 và sẵn sàng trở lại văn phòng làm việc vào thứ 2 tới, ngày 27/4.

Ông Boris Johnson được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vào cuối tháng 3 và được điều trị tại nhà riêng. Song, hôm 5/4, ông được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt sau 10 ngày điều trị do bệnh tình diễn biến xấu đi.

Ông Johnson, 55 tuổi, là lãnh đạo quốc gia đầu tiên trên thế giới phải điều trị đặc biệt vì COVID-19. Ông được xuất viện hôm 12/4 nhưng chưa thể trở lại làm việc ngay lập tức. Từ giường bệnh, ông đã tiến hành điện đàm với Tổng thống Mỹ về đại dịch.

Việc trở lại nghị trường của ông Johnson là điều mà nội các và người dân Anh đặc biệt mong mỏi lúc này, do liên quan trực tiếp tới quyết định gia hạn hoặc từng bước rỡ bỏ lệnh phong tỏa và các hạn chế đi lại trong nước.

Lệnh phong tỏa toàn quốc tại Anh, vốn được áp dụng từ ngày 23/3 để ngăn chặn COVID-19 lây lan, đang tác động ngày càng tiêu cực tới nền kinh tế của nước này, khiến Anh đứng trước nguy cơ suy thoái trầm trọng nhất trong hơn 300 năm qua.

Trong khi đó, Anh đã ghi nhận thêm hơn 800 người chết do COVID-19 trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca tử vong cả nước lên 20.319 trường hợp trong gần 150.000 ca nhiễm, tính đến hết ngày 25/4. Hiện, Anh đang là ổ dịch lớn thứ 6 trên thế giới.

Nhiều nguồn tin cho rằng, thực tế số ca tử vong vì đại dịch COVID-19 tại Anh còn cao hơn nhiều, khi nước này chỉ thống kê số trường hợp tử vong trong bệnh viện chứ không bao gồm số ca tử vong tại nhà và viện dưỡng lão. 

Thời gian qua, chính phủ Anh liên tục hứng chịu chỉ trích nặng nề từ phía người dân về cách ứng phó được cho là chậm chạp trước dịch bệnh, đặc biệt là tình trạng thiếu hụt trầm trọng thiết bị bảo hộ y tế cho các bác sĩ và y tá chống dịch ở tuyến đầu.

An Nhiên
.
.
.