Pháp quyết không để Mỹ hưởng trước đặc quyền vaccine COVID-19
- Bộ Ngoại giao thông tin về tình hình người Việt ở Nga nhiễm COVID-19
- WHO cảnh báo COVID-19 không bao giờ biến mất giống HIV
- Syria tố Thổ Nhĩ Kỳ bắn pháo vào nhà dân giữa bão COVID-19
"Với chúng tôi, việc để yếu tố tài chính chi phối hoạt động phân bổ vaccine là điều không bao giờ được chấp nhận", Thứ trưởng Tài chính Pháp Agnès Pannier-Runacher ngày 14/5 tuyên bố, nhắc đến việc Sanofi định gửi những lô vaccine COVID-19 đầu tiên đến Mỹ, theo France 24.
Pháp khẳng định sẽ không để Mỹ hưởng trước đặc quyền vaccine chống COVID-19. Ảnh: ITN |
Sanofi là một trong những hãng dược phẩm lớn nhất thế giới. Ngày 13/5, CEO hãng này Paul Hudson cho biết khi nào có vaccine COVID-19, hãng sẽ cung cấp cho Chính phủ Mỹ trước tiên vì "Mỹ mạo hiểm đầu tư" vào làm ăn với Sanofi.
Cũng trong phát ngôn mới nhất, bà Agnès Pannier-Runacher cho hay đã trao đổi với hãng dược sau phát ngôn của Paul Hudson. Theo lời quan chức Pháp, đại diện Sanofi tại nước này đã cam kết vaccine sẽ có mặt ở mọi nơi, bao gồm cả Pháp.
Vẫn chưa rõ quá trình nghiên cứu vaccine của Sanofi đang ở cấp độ nào. Hồi tháng 4, truyền thông châu Âu nói rằng Sanofi đang hợp tác cùng hãng dược GlaxoSmithKline của Anh nghiên cứu phương thuốc chống lại COVID-19, song chưa có cuộc thử nghiệm nào được tiến hành.
Dự án của Sanofi đang được tài trợ một phần bởi Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ.
Tính đến chiều 14/5, dịch COVID-19 đã lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ với trên 4,4 triệu người nhiễm và gần 300.000 người tử vong. Dịch có dấu hiệu hạ nhiệt ở một số nước châu Âu nhưng vẫn diễn biến khó lường ở Nga, Nam Mỹ…
Reuters cho biết thế giới đang chạy đua nghiên cứu vaccine chống COVID-19 với khoảng 100 mẫu đang được thử nghiệm ở các giai đoạn khác nhau. Dẫu vậy, việc lựa chọn mẫu nào cho hiệu quả cao nhất với dịch bệnh sẽ là một công việc không dễ dàng và đòi hỏi nhiều thời gian.