Nước "từng bị Nga đòi lại vaccine" chuẩn bị tiêm chủng Sputnik-V

Thứ Năm, 13/05/2021, 10:17
Từng bị Moscow đòi lại lô vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V vì công bố những báo cáo tiêu cực "thiếu căn cứ", Slovakia - quốc gia có phần tụt hậu trong việc triển khai tiêm chủng khẳng định đang chuẩn bị những bước cuối cùng, trước khi đưa vào sử dụng loại vaccine này của Nga.


Bloomberg ngày 13/5 (giờ Việt Nam) đưa tin, Slovakia sẽ trở thành nước thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sử dụng vaccine ngừa COVID-19 Sputnik-V, sau khi giải quyết bất đồng với Nga về các báo cáo "tiêu cực" mà cơ quan quản lý dược phẩm nước này từng công bố.

Cụ thể, Slovakia đã cố gắng "cứu vãn" thoả thuận với Nga bằng việc thử nghiệm Sputnik-V tại Hungary - quốc gia hàng đầu trong ngành dược và là nước trong EU đầu tiên sử dụng loại vaccine này.

Slovakia sẽ trở thành nước thứ hai trong EU sử dụng Sputnik-V. Ảnh: EPA.

"Slovakia đang chuẩn bị những bước cuối cùng trước khi đưa vaccine Sputnik-V vào tiêm chủng cho người dân trong tháng 6 tới. Slovakia sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về quy trình tiêm chủng liên quan tới loại vaccine này", Bộ Y tế Slovakia thông báo. 

Trước đó, cơ quan quản lý dược phẩm Slovakia cho rằng không thể đánh giá mức độ rủi ro và an toàn của Sputnik-V vì thiếu dữ liệu từ nhà sản xuất, đồng thời cáo buộc số vaccine Sputnik-V mà nước này nhận không giống với loại đã được cung cấp cho khách hàng khác hoặc cho Cơ quan Dược phẩm châu Âu.

Sputnik-V sẽ được Slovakia sử dụng cho các công dân trong độ tuổi từ 18-60. Ảnh: Reuters. 

Đáp trả, các nhà phát triển Sputnik-V đã bác bỏ thông tin này. Nga cũng yêu cầu Slovakia trả lại lô vaccine vì "vi phạm hợp đồng và có động thái phá hoại" khi thử nghiệm Sputnik-V trong phòng thí nghiệm không thuộc hệ thống Phòng thí nghiệm Kiểm soát Dược phẩm chính thức của EU.

Hồi tháng 3, cựu Thủ tướng Igor Matovic đã đồng ý mua 2 triệu liều Sputnik-V nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Tuy nhiên, thỏa thuận này đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có khi các đối tác liên minh của ông Matovic phản đối và khiến ông buộc phải từ chức vào cuối tháng 3.

Theo số liệu từ Bloomberg, quốc gia hơn 5 triệu dân này đang tụt hậu so với các quốc gia trong khối Đông Âu như Hungary, Cộng hòa Czech và Ba Lan về triển khai hoạt động tiêm chủng. Kết quả một cuộc thăm dò mới đây của Bloomberg cho thấy, đa số người dân Slovakia sẵn sàng tiêm vaccine Sputnik-V.

Linh Đan
.
.
.