Nga đòi Slovakia trả vaccine Sputnik V

Thứ Sáu, 09/04/2021, 09:50
Slovakia cho rằng những liều vaccine COVID-19 Sputnik V mà họ nhận từ Nga không có cùng đặc tính và hiệu quả như đã kiểm nghiệm trước đó bởi tạp chí The Lancet, khiến phía Nga phản ứng mạnh.

Cơ quan quản lý dược Slovakia mới đây bất ngờ tuyên bố, những liều vaccine COVID-19 Sputnik V đầu tiên mà họ nhận được từ Nga "không có cùng đặc điểm và tính chất" như phiên bản được kiểm nghiệm trước đó bởi tạp chí y khoa danh tiếng The Lancet, New York Times ngày 9/4 đưa tin.

Vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: TASS

Slovakia là quốc gia thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU) sau Hungary quyết định đặt mua vaccine Sputnik V của Nga. Đầu tháng trước, Slovakia đã nhận 200.000 liều đầu tiên trong số hai triệu liều mà nước này đặt hàng.

Theo kết quả được tạp chí The Lancet công bố, vaccine COVID-19 Sputnik V có hiệu quả lên đến 91,6%, trong đó tỷ lệ tình nguyện viên sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 là 98%. Mẫu vaccine Nga cũng được đề cao bởi khả năng bảo quản dễ dàng hơn nhiều mẫu vaccine khác.

Tuyên bố của cơ quan dược Slovakia sau đó đã đặt dấu hói về vấn đề kiểm soát chất lượng trong quá trình sản xuất hàng loạt vaccine của Nga. Tuy nhiên, Quỹ đầu tư Trực tiếp Nga (RDIF), cơ quan phụ trách thương mại hóa vaccine, khẳng định Sputnik V có chất lượng đồng đều, được kiểm soát chặt chẽ.

Đại diện RDIF cũng khẳng định họ đã yêu cầu Slovakia lập tức trả lại 200.000 liều vaccine nói trên để cung cấp cho một quốc gia khác. Cơ quan này chỉ trích Slovakia đã vi phạm hợp đồng vì thử nghiệm Sputnik V trong một phòng thí nghiệm không chuyên và không theo tiêu chuẩn của EU.

Các nhà quan sát cho hay bất đồng giữa Nga và Slovakia có thể cản trở nỗ lực sử dụng vaccine Sputnik V rộng rãi ở châu Âu, trong bối cảnh các quan chức EU gần đây bị chỉ trích vì tốc độ phê duyệt vaccine cũng như tiêm chủng chậm chạp so với các cường quốc khác.

Trong diễn biến liên quan, hôm cuối tháng 3/2021, Thủ tướng Slovakia Igor Matovic đã từ chức để xoa dịu cuộc khủng hoảng chính trị liên quan đến thỏa thuận mua vaccine Sputnik V. Theo truyền thông khu vực, ông Matovic đã đạt thỏa thuận trên một cách bí mật bất chấp sự phản đối của một số đối tác trong liên minh cầm quyền.

Thiện Nhân
.
.
.