Nước Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì Chính phủ đóng cửa

Chủ Nhật, 21/01/2018, 08:46
Trưa 20-1 (giờ Việt Nam), dự luật ngân sách chi tiêu tạm thời cho chính phủ đã không thể vượt qua được “cửa ải” tại Thượng viện Mỹ khi chỉ nhận được 50/100 phiếu bầu – ít hơn 10 phiếu để có thể được thông qua. 

Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ Mỹ sẽ phải đóng cửa vì ngân sách liên bang hết hiệu lực. Đây là lần thứ 13 chính phủ Mỹ phải đóng cửa kể từ thập niên 1980 đến nay và sự kiện này xảy ra đúng vào ngày kỷ niệm trong 1 năm nhậm chức của Tổng thống Donald Trump.

Trong nhiều tháng qua, Quốc hội Mỹ với phe Cộng hòa đa số đã phải vật lộn để đẩy dự luật ngân sách. Đảng Dân chủ nhấn mạnh ngân sách mới chỉ được thông qua nếu bao gồm việc bảo vệ “Những kẻ mộng mơ”, những người được hưởng lợi từ Chương trình Trì hoãn Hành động đối với Người nhập cư vào Mỹ khi còn nhỏ (DACA) của cựu Tổng thống Barack Obama. 

Hồi tuần trước, các cuộc đàm phán giữa quốc hội lưỡng đảng với Nhà Trắng đã thất bại. Với những nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn dự luật ngân sách, Tổng thống Donald Trump đã gặp lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, để thảo luận những bất đồng về vấn đề nhập cư. Tuy nhiên, hai bên không đạt được một thỏa thuận chung.

Phát biểu với các phóng viên bên ngoài đồi Capitol sau cuộc gặp đột xuất với Tổng thống Donald Trump tại Nhà Trắng, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nêu rõ: “Chúng tôi đã đạt được một số tiến triển nhưng vẫn có một số bất đồng và hai bên vẫn chưa đi đến một thỏa thuận”. 

Chính phủ Mỹ “đóng cửa tắt đèn” vào đúng ngày Tổng thống Donald Trump kỷ niệm trong 1 năm ngày nhậm chức.

Và ngay sau khi Chính phủ Mỹ “về mặt kỹ thuật” đóng cửa vào nửa đêm 19-11 (giờ Mỹ), người đứng đầu Nhà Trắng đã “chĩa mũi dùi” vào đảng Dân chủ: “Đêm nay, họ đã đặt nặng vấn đề chính trị hơn cả vấn đề an ninh quốc gia, các gia đình của quân nhân Mỹ, những trẻ em dễ bị tổn thương hay năng lực phục vụ toàn thể người dân Mỹ của đất nước này. Chúng tôi sẽ không đàm phán về quy chế dành cho những người tị nạn bất hợp pháp trong khi đảng Dân chủ “bắt giữ” những công dân hợp pháp của chúng ta “làm con tin” để đổi lấy những đòi hỏi bất cẩn của họ. Đó là hành vi gây cản trở của những kẻ thất bại chứ không phải những nhà lập pháp”. 

Đáp lại, ông Chuck Schumer tuyên bố: “Dường như chính ông Trump mới là người muốn Chính phủ phải đóng cửa và chúng ta hoàn toàn có quyền chỉ trích Tổng thống vì việc này”.

Việc chính phủ liên bang “đóng cửa tắt đèn” sẽ có ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh tế. Hàng trăm nghìn nhân viên liên bang sẽ tạm thời bị cho nghỉ việc và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương. 

Theo một báo cáo của hãng phân tích S&P Global, nền kinh tế Mỹ ước tính sẽ bị thiệt hại khoảng 6,5 tỉ USD nếu chính phủ bị đóng cửa chỉ trong một tuần. Không chỉ nền kinh tế, việc Chính phủ đóng cửa cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quân sự của Mỹ. 

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis, những hoạt động chịu tác động nhiều nhất sẽ là huấn luyện chiến đấu, bảo trì, bảo dưỡng vũ khí, khí tài và công tác tình báo. 

“Các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng vũ khí, khí tài gần như chắc chắn sẽ bị đóng cửa. Hơn 50% các nhân viên làm việc trong lĩnh vực dân sự của chúng tôi sẽ bị cho nghỉ việc. Chúng tôi cũng tiến hành rất nhiều chiến dịch tình báo trên khắp thế giới và những chiến dịch này rất tốt kém. Giờ thì các chiến dịch này cũng phải tạm dừng”, ông Mattis nói. 

Chưa hết, trong khi đóng cửa, rất nhiều hoạt động bị ngừng lại và sẽ ảnh hưởng tới nhiều người Mỹ có việc cần tới các cơ quan Chính phủ, như: Bệnh nhân mới không được tiếp nhận vào bộ phận nghiên cứu lâm sàng tại Viện Y tế Quốc gia, đường dây nóng trả lời về bệnh dịch ngừng hoạt động; Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh ngừng theo dõi dịch bệnh; ngừng tuyển dụng, kiểm tra quan chức thực thi pháp luật liên bang; dịch vụ cấp hộ chiếu visa ngừng; kiểm dịch thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng và an toàn nơi làm việc không được tiến hành…

Chính phủ Mỹ không xa lạ với việc bị đóng cửa. Từ năm 1981 đến nay, nước Mỹ đã trải qua 12 lần chính phủ phải đóng cửa và dịp đóng cửa này của chính phủ Tổng thống Trump là lần thứ 13. Đợt đóng cửa dài nhất xảy đến trong nhiệm kỳ cựu Tổng thống Bill Clinton với thời gian 21 ngày, từ tháng 12-1995 đến 1-1996. 

Lần đóng cửa gần nhất là dưới thời Tổng thống Barack Obama vào năm 2013 khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát từ chối thông qua ngân sách, trong đó có việc chi trả cho luật chăm sóc sức khỏe. Kết quả là chính phủ đóng cửa 16 ngày và 850.000 nhân viên liên bang bị ảnh hưởng. 

Theo các nhà kinh tế, đóng cửa Chính phủ lãng phí rất nhiều tiền thuế của dân, làm gián đoạn hoạt động Chính phủ và cho thấy một sự quản lý tồi. Lần đóng cửa năm 2013, tiền bồi thường cho nhân viên phải nghỉ phép là 2,5 tỷ USD; số việc mới trong lĩnh vực tư giảm 120.000 trong nửa đầu tháng 10; mất 500 triệu USD từ du khách do đóng cửa các công viên quốc gia; doanh thu các công viên quốc gia và Viện Smithsonian mất 11 triệu USD; trả tiền lãi lên tới hàng tỷ USD cho các bên thứ ba; tốn kém nguồn lực chi cho các hoạt động trực chiến hoặc duy trì trạng thái nhàn rỗi… 

Lần đóng cửa Chính phủ này đã khiến tăng trưởng GDP quý IV của Mỹ giảm 0,5 điểm phần trăm, tức 20 tỷ USD. Hãng Standard & Poors còn ước tính kinh tế thiệt hại tới 24 tỷ USD. Tóm lại, đóng cửa Chính phủ sẽ tốn kém hơn là số tiền bỏ ra để duy trì Chính phủ hoạt động.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.