Nhiều nước phản đối cách hành xử của Trung Quốc tại Biển Đông

Thứ Bảy, 25/06/2016, 08:26
Ngày 24-6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nhấn mạnh, Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái ở Trường Sa. Trước đó, hôm 22-4, Mỹ đã lên tiếng phản đối Trung Quốc dùng tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá ở Biển Đông.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước những thông tin gần đây trên báo chí Trung Quốc về việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình ở quần đảo Trường Sa, trong đó có bệnh viện trên Đá Chữ Thập và nông trường trên Đá Subi, cũng như thông tin Tập đoàn Vận tải biển Trung Quốc COSCO có kế hoạch tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định: “Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm rõ ràng và nhất quán về vấn đề này. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi tại khu vực quần đảo Trường Sa hay tổ chức các tuyến du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể làm thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên và không để tái diễn các hành động tương tự; nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.

Trong khi đó, hôm 22-6, quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cảnh báo Trung Quốc đang lợi dụng các tàu cá cùng đội hộ tống có vũ trang để đẩy mạnh những tuyên bố chủ quyền biển ở vùng lãnh thổ tranh chấp, đồng thời mô tả cách hành xử của Bắc Kinh là “gây quan ngại”. Vị quan chức này cho rằng, đó là xu thế đáng quan ngại và điều đó cho thấy rõ sự hiện diện tăng cường của Trung Quốc - trong đó có các lực lượng quân sự và bán quân sự - và được sử dụng theo cách thức khiêu khích và gây bất ổn tiềm tàng.

Chia sẻ quan điểm này, cùng ngày, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Colin Willett chỉ ra rằng, việc Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh hỗ trợ tàu cá đánh bắt ở Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng thực thi những tuyên bố chủ quyền có thể không hợp pháp và coi đây là những hành động khiêu khích, có thể gây bất ổn.

Đường băng Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp trên Đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS/AMTI.

Liên quan tới việc Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) trong vài tuần tới sẽ ra phán quyết trong vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, bà Willet khuyến cáo Trung Quốc không nên có thêm “những hành động gây hấn” sau phán quyết này. Theo bà Willet, quyết định sắp tới của PCA có thể đưa ra “rất nhiều thứ rõ ràng” liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông để có thể giúp các nước có yêu sách tham gia thu xếp để tránh những xung đột tiềm tàng, sẽ đóng vai trò là điểm xuất phát cho các đàm phán ngoại giao.

Vị quan chức này khẳng định: “Chắc chắn là chúng tôi sẽ kêu gọi chính phủ các nước thực hiện kiềm chế và sử dụng thời gian sau khi có phán quyết của tòa như là cơ hội để bắt đầu các trao đổi ngoại giao”.

Bên cạnh đó, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Colin Willett cũng đã bày tỏ nghi ngờ tuyên bố của Trung Quốc rằng, hiện có hàng chục quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong vụ kiện của Phillipines, đồng thời khẳng định Washington sẽ tuân thủ những cam kết bảo vệ của mình. Bà Colin Willett cho biết thêm, Mỹ có “nhiều lựa chọn” để đáp trả bất kỳ động thái nào của Trung Quốc tại khu vực mà quan chức này đánh giá là có ý nghĩa sống còn đối với các lợi ích của Mỹ.

Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á, một phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới và Mỹ sẽ nỗ lực tập hợp các đồng minh cùng những đối tác đang còn do dự ở khu vực này nhằm đảm bảo có một mặt trận thống nhất.

Đông đảo dư luận hiện cho rằng PCA sẽ ra phán quyết bác bỏ cái gọi là “đường chín đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò) đầy phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông và phán quyết của tòa cũng sẽ là “phép thử” đối với cam kết của Mỹ ở khu vực này. Tuy nhiên, việc Mỹ chưa phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là một rào cản lớn làm giảm tiếng nói của nước này.

Đối với Trung Quốc, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Ernest Bower cho rằng, nước này sẽ không tuân thủ phán quyết của tòa và đây là cách phản ứng rất nguy hiểm vì điều đó đồng nghĩa với việc Bắc Kinh phủ nhận luật pháp quốc tế và từ chối giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp pháp lý.

Trong khi đó, bà Amy Searight, Cố vấn cấp cao Chương trình Đông Nam Á của CSIS, cho rằng dù tòa ra phán quyết như thế nào, thì căng thẳng vẫn sẽ leo thang ở Biển Đông. Theo bà, Bắc Kinh đã có các bước chuẩn bị cho việc không tuân thủ phán quyết của tòa.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.