Cộng đồng quốc tế kêu gọi Trung Quốc thực hiện nghĩa vụ của thành viên UNCLOS

Thứ Năm, 23/06/2016, 09:05
Với những dự đoán về kết quả của phiên tòa xét xử vụ kiện Philippines - Trung Quốc tại tòa án trọng tài Liên Hợp Quốc (LHQ), cộng đồng quốc tế đang kêu gọi Trung Quốc hành xử có trách nhiệm và thực hiện nghĩa vụ của thành viên Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Ngày 22-6, nhiều hãng thông tấn nổi tiếng thế giới đã có các bài viết, phân tích khá sâu sắc về tình hình Biển Đông cũng như những tuyên bố mới nhất của Trung Quốc xung quanh phán quyết sắp tới của tòa án trọng tài LHQ ở The Hague (Hà Lan) về vụ kiện Biển Đông do Philippines đứng đơn.

Tờ Los Angeles Times cho rằng, dù Trung Quốc từ chối tuân thủ phán quyết thì phán quyết vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ khu vực và quốc tế.

Cùng với đó, bài viết trên tờ Los Angeles Times khẳng định, những tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh về việc không chấp nhận phán quyết của tòa án đang khiến Washington tập trung chú ý nhiều đến thái độ của nước này.

Dẫn lời phát biểu của Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Colin Willett trong cuộc họp báo qua điện thoại do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức với báo giới Đông Nam Á hôm 21-6, tờ báo này cũng khẳng định rằng, phán quyết của tòa án trọng tài LHQ có tầm quan trọng đặc biệt và Mỹ muốn xem hành động cụ thể của Trung Quốc.

Trong khi đó, tại thủ đô Washington D.C, ngày 20-6, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) đã tổ chức cuộc thảo luận về vụ Philippines kiện các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông với sự tham gia của giới chuyên gia hàng đầu CSIS cùng nhiều chuyên gia, học giả của Mỹ và các nước.

Vừa đi sâu phân tích lý do vì sao Biển Đông lại có ý nghĩa quan trọng đối với Mỹ, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc Biển Đông đóng vai trò quyết định tới việc Mỹ duy trì vị thế quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương và giúp Washington đảm bảo các liên minh quân sự ở khu vực này, các chuyên gia cũng đưa ra những dự báo về phán quyết của tòa án với vụ kiện cũng như những động thái tiếp theo của các bên sau khi phán quyết được đưa ra, trong đó tập trung thảo luận về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian tới…

Trước áp lực từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc vẫn tỏ thái độ bất hợp tác. Thậm chí, một số nguồn tin ngoại giao còn khẳng định với báo chí Nhật Bản rằng, Trung Quốc có thể sẽ rút khỏi UNCLOS nhằm phản đối phán quyết này nếu tòa án ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của nước này trên Biển Đông. Chưa hết, chính quyền Bắc Kinh vẫn tiếp tục chỉ trích Manila đơn phương “tự ý” đệ đơn kiện Trung Quốc, phá vỡ các thỏa thuận trước đó giữa hai nước nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua đàm phán song phương. Bắc Kinh còn lớn tiếng nói Mỹ không có quyền bàn về vụ kiện vì Washington không tham gia ký UNCLOS…

Indonesia cũng bác bỏ những tuyên bố của Trung Quốc về việc 2 quốc gia có chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông. Ảnh: Abimata Hasibuan.

Giới quan sát thì nhận định, thái độ cực đoan nói trên của Trung Quốc là do nước này đang dần dần bị cô lập trong vấn đề Biển Đông. Mặc dù người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh luôn tuyên bố rằng có tới 60 quốc gia ủng hộ lập trường Biển Đông của Trung Quốc nhưng lại không nêu rõ được cụ thể là nước nào. Tờ Wall Street Journal còn có một bài viết dài khẳng định chỉ có 8 nước công khai ủng hộ Bắc Kinh trong vấn đề là không tham gia vụ kiện của Philippines ở tòa án trọng tài LHQ…

Đáng chú ý nhất là hiện nay, các lập trường về Biển Đông của Trung Quốc cũng đang vấp phải phản ứng từ trong nước. Nhiều học giả Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính sách bác bỏ thẩm quyền của tòa quốc tế về vấn đề Biển Đông mà nước này đang theo đuổi.

Có học giả khi tham dự một buổi hội thảo gần đây ở thủ đô Bắc Kinh đã nói: “Tôi cho rằng ta (Trung Quốc) không có khả năng thắng vụ kiện bằng con đường pháp lý vì hiện tại ta nắm rất ít cơ hội xoay xở trong tay bởi lập trường bác bỏ thẩm quyền của tòa mà chính quyền theo đuổi".

Pang Zhongying, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân ở Bắc Kinh thì lo lắng về những tác dụng phụ nảy sinh từ động thái tìm kiếm đồng minh của Trung Quốc trong tuyên bố chủ quyền phi lý về “đường lưỡi bò” ở Biển Đông. Ông cũng hoài nghi về tính hiệu quả của việc lôi kéo đồng minh khi mà nó chủ yếu chỉ hướng tới các quốc gia nhỏ bé và kém phát triển.

Indonesia không có tuyên bố chủ quyền chồng chéo với Trung Quốc

Đây là lời khẳng định của Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi trong cuộc họp báo chiều 21-6. Bà Retno Marsudi cho biết, chính quyền Jakarta bác bỏ hoàn toàn lập trường của Trung Quốc rằng hai nước đang có tuyên bố chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông.

Quan điểm của Indonesia là nước này không phải là một bên trong tranh chấp khu vực liên quan tới những hoạt động xây dựng và cải tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như những tuyên bố chủ quyền vô lý của Bắc Kinh đối với hầu hết vùng biển chiến lược này.

Tuy nhiên, Indonesia phản đối Trung Quốc gộp cả vùng biển quanh quần đảo Natuna do Indonesia quản lý vào bản đồ "đường chín đoạn" phi lý mà Trung Quốc sử dụng để xác định chủ quyền của mình ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Indonesia cũng mạnh mẽ chỉ trích tuyên bố của Trung Quốc về “ngư trường đánh bắt truyền thống” gần quần đảo Natuna của Indonesia.

Trong khi đó, trả lời hãng Reuters, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla nói rằng, Indonesia muốn gửi một thông điệp tới Trung Quốc, yêu cầu nước này tôn trọng chủ quyền của Indonesia đối với vùng biển quanh quần đảo Natuna ở phía Nam Biển Đông.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tuyên bố nước này và Indonesia không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào song tồn tại một số tuyên bố chủ quyền chồng chéo liên quan "quyền và lợi ích hàng hải”.

Huyền Chi
.
.
.