Các nước yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết về vụ kiện Biển Đông

Thứ Ba, 14/06/2016, 09:59
Lo sợ Trung Quốc sẽ có những hành động gây hấn nhằm bác bỏ phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực (PCA) trong vụ kiện Biển Đông do Philippines đứng đơn kiện, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết này và ngay lập tức chấm dứt những hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế trong vùng Biển Đông.


Theo tin từ hãng AP, PCA có trụ sở tại The Hague (Hà Lan), PCA sẽ đưa ra phán quyết của mình trong tháng 6 này. Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng, nhiều khả năng, PCA sẽ phản đối tuyên bố chủ quyền phi lý “đường lưỡi bò” (hay còn gọi là đường 9 đoạn) mà Bắc Kinh tự vẽ ra với giấc mộng nuốt gần trọn Biển Đông. 

Có lẽ vì lo sợ khả năng này nên trong cuộc họp báo thường kỳ hồi cuối tháng 5 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lớn tiếng tuyên bố rằng nước này không chấp nhận bất kỳ một phán quyết nào giống như việc không tham gia vào vụ kiện theo yêu cầu của tòa án. 

Ngay sau đó, tuyên bố của ông Hồng Lỗi đã tạo ra một cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và một loạt nước chống lại tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Nhiều quốc gia khác, tuy không có liên quan đến vụ kiện song cũng bắt đầu nêu quan điểm của mình rằng, Trung Quốc cần hành xử văn minh theo đúng vị trí là một quốc gia đang phát triển mạnh trên thế giới, là Ủy viên Thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ). 

Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee hôm 11-6 cho rằng Trung Quốc nên tôn trọng phán quyết. Trả lời phỏng vấn trên kênh Truyền hình TV3, ông Gerry Brownlee nói: “Chúng tôi muốn dự do hàng hải, tự do hàng không. Chúng tôi muốn các tuyến thông tin mở và có sự tuân thủ luật pháp quốc tế. Việc chấp nhận phán quyết của tòa án hay không là chuyện của Chính phủ Trung Quốc nhưng chúng tôi tin rằng họ nên làm vậy”. 

Đồng quan điểm này, Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully cũng cho rằng, Bắc Kinh nên xem phán quyết của PCA là “có tính ràng buộc”.

Một phiên xử vụ kiện của Philippines nhằm vào yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: Supplied.

Thủ tướng Anh David Cameron và người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe đã từng đưa ra quan điểm này trong một cuộc họp báo chung hồi cuối tháng 5 khi tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản. Cả hai chính trị gia này đều mạnh mẽ lên tiếng cảnh báo Trung Quốc trước việc nước này gia tăng các hoạt động xây đảo nhân tạo ở Biển Đông. 

Thủ tướng Anh David Cameron thậm chí còn bình luận: “Chúng tôi muốn Trung Quốc trở thành một phần của thế giới được duy trì dựa trên luật pháp. Chúng tôi muốn tất cả mọi người tuân thủ những quy định này”. 

Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thì nỗ lực thành lập một mặt trận thống nhất chống lại các hành vi bành trướng, phiêu lưu quân sự và hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông. Kết quả là ông đã đạt được thành công đầu tiên trong việc thuyết phục lãnh đạo các nước G7 ra một tuyên bố chung về Biển Đông. Trong khi đó, Chính phủ Australia thì cho rằng, phán quyết của PCA sẽ "giải quyết vĩnh viễn" việc liệu các bãi đá nhân tạo có trao cho một nước quyền tuyên bố phạm vi lãnh hải hay không.

Riêng Mỹ nhiều lần đề nghị Trung Quốc phải tuyệt đối tuân thủ theo các quy định của luật pháp quốc tế cũng như phán quyết của PCA. Chính quyền Washington cũng rất tích cực trong việc hỗ trợ thúc đẩy sự gắn kết của ASEAN, để ASEAN lớn mạnh hơn trong việc giải quyết các vấn đề khó khăn như Biển Đông. 

Phát biểu tại Singapore, bên lề Diễn đàn An ninh khu vực châu Á Shangri-La 2016, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, nhấn mạnh việc thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế ở Hà Lan sẽ là phép thử quan trọng cho khu vực. Thượng nghị sĩ John McCain cũng kêu gọi Trung Quốc hãy thay đổi từ thái độ đe dọa và ép buộc các nước láng giềng sang hợp tác và bày tỏ lo ngại về những hậu quả nếu Bắc Kinh chọn con đường đối đầu.

Thái độ tiếp nhận của Trung Quốc đối với phán quyết của vụ kiện Biển Đông đang trở thành chủ đề được quan tâm nhất trên chính trường quốc tế hiện nay. Việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông cáo đòi Philippines ngừng ngay vụ kiện và giải quyết tranh chấp bằng đối thoại song phương đã cho thấy thái độ bất hợp tác của nước này. 

Có lẽ vì thế mà Tổng thống sắp mãn nhiệm của Philippines Benigno Aquino hôm 11-6 đã phải lên tiếng: “Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề Biển Đông sẽ được giải quyết, và khi làm rõ được quyền và nghĩa vụ của mỗi bên, chúng ta sẽ có công cụ quan trọng để thúc đẩy ổn định trong khu vực". 

Ông Benigno Aquino cho biết, trong suốt nhiệm kỳ của ông, chính quyền Manila đã tham gia vào nhiều cuộc đàm phán song phương cũng như thông qua các diễn đàn khu vực và thậm chí là PCA để cố gắng làm rõ vị thế của mỗi bên trong tranh chấp ở Biển Đông. Nối tiếp chính sách ngoại giao của người tiền nhiệm, Tổng thống mới đắc cử của Philippines là Rodrigo Dueterte cho rằng, ông sẵn sàng đàm phán song phương với Trung Quốc nhưng không bao giờ nhân nhượng vấn đề chủ quyền.

Theo nhận định của các học giả quốc tế, bản thân vụ kiện nhằm vào “đường lưỡi bò” của Trung Quốc tại Biển Đông mà Philippines đứng đơn và phán quyết của PCA sẽ là thước đó quan trọng để xác định tính hiệu quả thực sự của Công ước quốc tế của LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) trong việc giải quyết các tranh chấp hàng hải trên thế giới hiện nay. 

GS Erik Franck, thành viên toà trọng tài, Trưởng khoa Luật pháp châu Âu và quốc tế, Đại học Tự do Bỉ còn cho rằng, ASEAN với tư cách là một tổ chức quốc tế có thể tham khảo mô hình của Liên minh châu Âu (EU), trở thành một chủ thể của quan hệ quốc tế, một thành viên của UNCLOS. Theo hướng phát triển này, ASEAN sẽ hội nhập sâu hơn về luật pháp và sử dụng luật pháp là công cụ để thúc đẩy hợp tác và giải quyết tranh chấp. 

Trả lời phỏng vấn báo giới, Giám đốc hợp tác liên khu vực thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Derry Aman cũng hé lộ thông tin rằng, nhiều khả năng, ASEAN cũng sẽ đưa ra tuyên bố về phán quyết của PCA trong một vài ngày tới. 

Ông Derry Aman nói: “Là tổ chức dẫn đầu khu vực với nhiều lợi ích ở Biển Đông, sẽ không bình thường nếu ASEAN không đưa ra quan điểm chung. Nhưng ASEAN cũng cần tất cả 10 quốc gia thành viên đạt được sự đồng thuận trước khi công bố một lập trường thống nhất về Biển Đông”. 

Dự kiến, vào ngày 14-6, một cuộc họp đặc biệt giữa các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc sẽ diễn ra tại Côn Minh, Trung Quốc. Trước đó, hôm 9-6, cuộc họp lần thứ 12 các Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc (SOM) về thực hiện Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tham vấn về xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đã được tổ chức tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh dưới sự đồng chủ trì của Trung Quốc và Singapore, nước điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc. 

Tại cuộc họp, các nước ASEAN bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây tại Biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của Biển Đông và sự quan tâm của cộng đồng quốc đối với tình hình Biển Đông thời gian gần đây...

Huyền Chi
.
.
.