Nhật Bản quyết tâm đàm phán bền bỉ với Nga để giải quyết vấn đề Kuril
Chính phủ Nhật Bản khẳng định quyết tâm tổ chức các cuộc đàm phán bền bỉ với Nga để có được một hiệp ước hòa bình, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga hôm 19-12 thông báo với các phóng viên ở Tokyo khi bình luận về sự phản đối của Tokyo đối với việc xây dựng cơ sở quân sự của Moscow ở phía Nam quần đảo Kurils.
- Nga-Nhật ký hiệp ước kết thúc chiến tranh và hợp tác kinh tế ở Kuril
- Nga-Nhật Bản đồng ý hoạt động kinh tế chung trên quần đảo Kuril
“Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, thì vấn đề lãnh thổ phương Bắc cần được giải quyết và một hiệp ước hòa bình cần được ký với Nga. Chúng ta sẽ tổ chức các cuộc đàm phán bền bỉ với Moscow dựa trên cơ sở căn bản,” ông Suga cho biết.
Trước đó, Thông tấn Kyodo đưa tin Chính phủ Nhật Bản đã lên tiếng phản đối việc Nga xây dựng tiền đồn quân sự ở phía Nam quần đảo Kuril. Tuyên bố được đưa ra thông qua các kệnh ngoại giao ở Moscow, cơ quan truyền thông dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Một góc quần đảo Kuril thuộc phần lãnh thổ Nhật Bản. Ảnh: Kyodo |
Tuyên bố nhấn mạnh rằng việc xây dựng các cơ sở này giúp tăng cường sự hiện diện của lực lượng Nga trên 4 hòn đảo, xâm phạm vị trí của Nhật Bản đối với vùng lãnh thổ này. Vào ngày 18-12, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono tuyên bố kế hoạch lên tiếng phản đối Nga về vấn đề này.
Đại tá Alexander Gordeyev, một cán bộ phát ngôn Quân khu miền Đông Quân đội Nga cho biết vào đầu tuần này rằng các đơn vị sẽ đồn trú trên đảo Iturup và Kunashir vào cuối năm 2018. Ông cho biết thêm quân nhân Nga đã chuyển đến 2 khu ký túc xá tương tự vào năm 2018, trong khi có thêm 3 ký túc xá, trong đó có 2 ở Iturup và 1 ở Kunashir sẽ được xây dựng và đưa vào vận hành từ năm 2019.
Nga và Nhật Bản đã nhiều lần đàm phán để ký hiệp ước hòa bình kể từ giữa thế kỷ 20. Sự cản trở chính để đạt được hiệp ước này là chủ quyền đối với khu vực phía Nam quần đảo Kuril. Sau khi kết thúc Thế chiến II, quần đảo Kuril được sáp nhập vào Liên bang Xô viết.
Vào năm 1956, Liên bang Xô viết và Nhật Bản ký một tuyên bố chung để chấm dứt tình trạng chiến tranh và khôi phục quan hệ ngoại giao, tuy nhiên cho đến nay chưa có hiệp ước hòa bình nào được ký kết.