Nhập cư là một đặc ân, không phải là quyền lợi

Chủ Nhật, 19/03/2017, 08:45
Đó là quan điểm được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 17-3 (giờ địa phương). Theo ông, đối với vấn đề nhập cư, điều đầu tiên phải chú ý tới chính là an ninh quốc gia. Đây chính là điểm khác biệt lớn giữa hai nhà lãnh đạo trên.


Tổng thống Trump nói rõ rằng: “Nhập cư là một đặc ân, chứ không phải là quyền lợi và sự an toàn của người dân luôn luôn phải đặt lên trên hết”, và chỉ trích bà Merkel đã “phá hoại nước Đức bằng chính sách mở cửa đón người tị nạn” thời gian qua.

Đáp lại, Thủ tướng Đức công khai chỉ trích sắc lệnh nhập cư của Tổng thống Mỹ. Bà Merkel nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc giải quyết tình trạng nhập cư trái phép và đương đầu với các mối đe dọa cực đoan.

Bà khẳng định sự cần thiết phải có các đường biên giới quốc gia vững mạnh, song cũng chủ trương giúp đỡ người dân tại các quốc gia Bắc Phi và Trung Đông trước khi họ trở thành người tị nạn. Liên quan tới Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tổng thống Trump một lần nữa khẳng định “sự ủng hộ mạnh mẽ” của Washington dành cho liên minh quân sự này, dù vẫn hối thúc các đồng minh châu Âu “đóng góp một cách công bằng” cho chi phí quốc phòng.

Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Đức tại cuộc họp báo chung hôm 17-3.  Ảnh: Reuters

Ông nêu rõ: “Nhiều quốc gia NATO đã nợ những khoản tiền lớn trong những năm qua và điều này là rất không công bằng đối với Mỹ”. Về phần mình, bà Merkel khẳng định Đức sẽ tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng, đảm bảo mục tiêu 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024. Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã cảm ơn Thủ tướng Merkel vì lời cam kết này, cũng như hỗ trợ NATO ở Afghanistan và sự tham gia của Berlin vào liên minh quốc tế chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Về cuộc xung đột tại Ukraine, tân chủ nhân Nhà Trắng nhấn mạnh sự cần thiết của một giải pháp hòa bình đối với cuộc khủng hoảng này. Ông cũng cảm ơn bà Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande vì đã tìm kiếm một giải pháp hòa bình tại Ukraine.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel khẳng định mong muốn tìm kiếm một giải pháp an toàn và đảm bảo cho Ukraine song song với cải thiện quan hệ với Nga: “Cần phải cải thiện mối quan hệ với Nga, nhưng trước tiên phải giải quyết tình hình tại Ukraine”.

Liên quan tới vấn đề thương mại, cả hai nhà lãnh đạo đều nhất trí “phải làm việc cùng nhau để hướng tới chính sách công bằng và đôi bên cùng có lợi”. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh “không tin vào các chính sách biệt lập” mà chỉ tin vào thương mại tự do, đồng thời thẳng thắn chỉ trích những cáo buộc cho rằng chính sách kinh tế hiện nay của chính quyền Washington theo chủ nghĩa biệt lập.

Ông nói: “Tôi không tin vào một chính sách biệt lập, song tôi cũng tin rằng, một chính sách thương mại phải là một chính sách công bằng và Mỹ rất nhiều lần trong nhiều năm qua là bên phải chịu thiệt thòi. Điều này cần phải chấm dứt.

Song tôi cũng không phải là một người theo chủ nghĩa biệt lập. Tôi ủng hộ tự do thương mại song phải là thương mại công bằng. Bởi tự do thương mại mà chúng ta theo đuổi hiện nay đang dẫn tới rất nhiều điều xấu”.

Về phần mình, Thủ tướng Merkel kêu gọi Mỹ “trở lại bàn đàm phán và tiếp tục các cuộc đàm phán về Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP)”, có nguy cơ bị khép lại vĩnh viễn dưới thời Tổng thống Trump. Theo Thủ tướng Đức, điều này sẽ có lợi cho cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Bà thừa nhận rằng: “Cần phải công bằng để hai bên đều có thể được hưởng lợi từ các hiệp định này. Trên tinh thần này, tôi cảm thấy rất vui nếu chúng ta có thể nối lại các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ. Chúng tôi đã ký thỏa thuận thương mại với Canada và tôi hi vọng cũng sớm đạt được điều tương tự với Mỹ”.

Đây là cuộc hội đàm cấp cao đầu tiên của Thủ tướng Đức, một trong những đồng minh phương Tây quan trọng nhất của Mỹ, với Tổng thống Trump kể từ sau khi nước Mỹ thay đổi chính quyền ngày 20-1. Cuộc gặp này đã phải lùi từ ngày 14-3 sang ngày 17-3 vì bão tuyết làm tê liệt hoạt động hàng không nhiều thành phố ở Bờ Đông nước Mỹ. Theo các nhà phân tích, dù vẫn bất đồng về nhiều vấn đề, song quan hệ giữa Đức và chính quyền mới tại Mỹ hiện mới chỉ ở giai đoạn thăm dò và về cơ bản sẽ không thể vì thế mà bị lung lay.

Khổng Hà
.
.
.