Người dân Trung Quốc "khủng hoảng tâm lý" vì Covid-19
- Xử phạt khách sạn cho khách du lịch người Trung Quốc lưu trú “chui”
- Trung Quốc cách chức hai Bí thư Hồ Bắc, Vũ Hán
- Bác sĩ Trung Quốc cạo đầu, mặc bỉm chống Covid-19
Con số gây hoang mang
Không chỉ điều trị các ca nhiễm trực tiếp, các bác sĩ còn "điều trị" bệnh cả qua điện thoại về virus Corona chủng mới. Ảnh: Reuters |
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 13/2 đã có một cuộc họp báo muộn hơn thường lệ. Thông thường, con số thống kê nạn nhân tử vong và lây nhiễm vì Covid-19 tại nước này sẽ được thông báo vào 8h sáng hàng ngày. Song, trong 2 ngày vừa qua, mọi thông tin đều được cập nhật trong buổi chiều.
Theo cơ quan y tế nước này, tính đến hết ngày 12/2, số ca tử vong mới được ghi nhận là 254 ca, cùng 15.152 trường hợp nhiễm mới. Nâng tổng số ca tử vong tại Trung Quốc đại lục lên 1.367 ca, tổng số ca lây nhiễm là 59.804 ca.
Những tuyên bố này được đưa ra vài tiếng đồng hồ sau khi Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc - "tâm chấn" của dịch bệnh cho biết, số người tử vong tại tỉnh này tăng gấp 2 lần chỉ trong 1 đêm (242 người), còn số trường hợp lây nhiễm đã lớn hơn gần 10 lần so với ngày trước đó, dựa trên cách thông kê mới.
Hoài nghi trong lòng người dân, theo Reuters, đang dần tăng lên. Tân Hoa Xã đã ngay lập tức đưa ra thông báo kêu gọi người dân bình tĩnh trước những con số gây hoang mang này.
Nhưng nhiều người vẫn để lại những bình luận dưới trang Weibo của Ủy ban Y tế Quốc gia, yêu cầu cập nhật số liệu hàng ngày. "Số liệu hôm nay đâu? Các ông quên rồi sao? Cả nước đang chờ!", những bình luận tương tự thường xuất hiện.
Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Trung Quốc thực hiện tuần trước cho thấy trong số 18.000 người được chẩn đoán hội chứng lo lắng liên quan đến sự bùng phát của coronavirus, chỉ 42,6% là có phản ứng tích cực. Trong số 5.000 người được đánh giá rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý (PTSD), 21,5% có biểu hiện rối loạn rõ rệt.
Thậm chí, dòng hashtag "làm thế nào để gạt bỏ trạng thái lo lắng tại nhà" đang trở thành một trào lưu trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, với hơn 170 triệu lượt xem.
Trong khi đó, các chuyên gia y tế Trung Quốc đã dành nhiều lời khen ngợi tới những đường dây nóng tư vấn tâm lý đang vận hành hiện nay, nhưng vẫn cảnh báo rằng những đường dây không chính thống có thể sẽ gây hoang mang hơn là trấn an người dân.
Đường dây nóng hoạt động hết công suất
Những "bác sĩ hotline" cũng được điều động để hỗ trợ người dân vượt qua rối loạn tâm lý. Ảnh: Reuters |
Các đường dây nóng đã được chính phủ Trung Quốc áp dụng ở cấp độ 1 - phản ứng ngay lập tức, nhằm xử lý các tình huống khẩn cấp về sức khỏe tình thần của người dân. Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết đã thiết lập hơn 300 đường dây nóng trên cả nước để cung cấp lời khuyên cho những ai có nhu cầu, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại.
Thế nhưng, theo Reuters, các đường dây hầu như đều bị quá tải, khi trung bình cứ 2 chuyên gia lại phải tư vấn cho 100.000 người, theo thống kê của WHO. Một đường dây nóng quốc gia do Đại học Sư phạm Bắc Kinh điều hành đã bị quá tải ngay khi vừa đi vào hoạt động hồi cuối tháng 1, Cheng Qi, một nhà tâm lý học ở Thượng Hải cho biết.
Những công dân gọi đến thường để lại thông điệp rằng họ đã kiệt sức và rất sợ hãi. Xu Wang, một chuyên gia trị liệu tâm lý tại Đại học Thanh Hoa, đang làm việc với đường dây nóng chính thức của thành phố Bắc Kinh, cho biết một thách thức lớn là làm sao tìm ra những người có triệu chứng lây nhiễm thực sự, khi phần lớn các cuộc tư vấn đều xuất phát từ sự lo lắng.
Song, các nhà nghiên cứu y tế từ Đại học Bắc Kinh khẳng định rằng, việc chăm sóc tâm lý cho người dân trong khuôn khổ y tế công cộng sẽ giúp Trung Quốc và thế giới ngăn chặn và diệt trừ Covid-2019.
Chính phủ Trung Quốc gần đây cũng đã ban hành hướng dẫn cho các đường dây nóng, yêu cầu các đường dây hỗ trợ miễn phí, giữ bí mật cho người cần tư vấn, tuyển dụng nhân viên với các nền tảng chuyên môn có liên quan và được giám sát bởi các chuyên gia có kinh nghiệm