Nghi vấn ca nhiễm COVID-19 tại Đức cao gấp 10 lần số liệu công bố
- Thủ tướng Merkel: Đức chỉ đang ở giai đoạn đầu của dịch COVID-19
- Ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại, Đức rậm rịch gia hạn phong tỏa
Cuộc sống của người dân Đức đang từng bước trở lại bình thường. Ảnh: CNN |
Thị trấn Gangelt ở thành phố Heinsberg là một trong những khu vực có tỉ lệ tử vong vì COVID-19 cao nhất ở Đức. Nghiên cứu dựa trên 919 người ngẫu nhiên cho thấy, khoảng 15% dân số Gangelt mắc COVID-19, với tỉ lệ tử vong là 0.37%.
Dựa trên số liệu này, mở rộng quy mô ra toàn quốc, nhóm nghiên cứu Đại học Bonn cho rằng, khoảng 1,8 triệu người sống ở Đức có thể đã nhiễm COVID-19. Con số này gấp hơn 10 lần so với hơn 160.000 trường hợp lây nhiễm được công bố cho đến nay.
Đáng chú ý, cứ 5 trường hợp nhiễm bệnh lại có 1 trường hợp không xuất hiện triệu chứng, tương đương khoảng 22% bệnh nhân. Qua đó, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì giãn cách xã hội và vệ sinh cơ bản để giúp kiểm soát dịch bệnh.
"Bất cứ ai được cho là khỏe mạnh mà chúng tôi thử nghiệm đều có thể vô tình mang virus", Martin Exner, người đứng đầu trung tâm vệ sinh và sức khỏe cộng đồng Đại học Bonn, đồng tác giả nghiên cứu này cho biết.
Tính đến ngày 5/5, Đức ghi nhận hơn 166.000 ca nhiễm COVID-19 mới, với 6.993 trường hợp tử vong, theo Worldometers. Trong khi đó, số ca hồi phục tại nước này đang dừng ở 132.700 ca. Nhiều chuyên gia nhận định, Đức đã đi qua đỉnh dịch COVID-19, với tỉ lệ lây nhiễm thấp hơn 1.
Châu Âu nói chung cũng đang từng bước quay trở lại cuộc sống bình thường. Nhiều ổ dịch lớn như Tây Ban Nha, Italia cũng đã nới lỏng phong tỏa, cho phép người dân đi lại và các cơ sở kinh doanh hoạt động. Mặc dù vậy, những thông tin mới này tiếp tục gây lo ngại cho lục địa già về thực tế dịch bệnh và nguy cơ làn sóng lây nhiễm lần 2.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ trưởng Nội vụ liên bang Đức Horst Seehofer cho biết nước này đã quyết định kéo dài lệnh kiểm soát biên giới với Áo, Thụy Sỹ, Pháp, Luxemburg và Đan Mạch cho tới ngày 15/5 và sẽ dần nới lỏng các hạn chế sau đó.
Bộ trưởng Seehofer cũng cảnh báo việc mở cửa biên giới giữa Áo và Đức là quá vội vàng, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 mới tại châu Âu chưa có dấu hiệu giảm rõ rệt. Chính phủ Đức cần tiếp tục kiểm soát dịch bệnh, tránh uổng phí những nỗ lực thời gian qua.