Ca nhiễm COVID-19 tăng trở lại, Đức rậm rịch gia hạn phong tỏa

Thứ Tư, 15/04/2020, 16:12
Chính phủ Đức ngày 15/4 tiến hành họp mở rộng về cuộc chiến chống COVID-19, với phương án gia hạn phong tỏa đất nước đến ít nhất ngày 3/5, nhật báo Handelsblatt đưa tin, trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 đang có dấu hiệu tăng trở lại.

Các biện pháp kiểm soát đi lại được áp dụng triệt để tại Đức để đối phó với COVID-19. Ảnh: AA

Ngày 15/4, Thủ tướng Đức Angela Merkel tiến hành cuộc họp trực tuyến đầu tiên với các Bộ trưởng trong nội các và lãnh đạo 16 bang của nước này về việc có nên gia hạn hay giảm bớt các quy định phong tỏa nhằm cải thiện tình hình đất nước trước sự lan rộng của đại dịch COVID-19. Trong đó, đề xuất gia hạn giãn cách xã hội đến 3/5 đã được đưa ra.

Đề xuất này được các quan chức đưa ra vào thời điểm số ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại Đức quay đầu tăng ngược trở lại sau 4 ngày giảm liên tiếp, với 2.486 trường hợp nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trên toàn quốc lên 127.584, theo dữ liệu từ Viện Robert Koch (RIK) về bệnh truyền nhiễm.

Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ qua đã tăng thêm 285, lên tổng số 3.254 ca. Đức hiện đang là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 4 tại châu Âu, sau Tây Ban Nha, Italia và Pháp.

Giám đốc RKI Lothar Wieler hôm 14/4 đánh giá số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này đã "tương đối ổn định", song vẫn cho rằng "hiện không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy dịch bệnh đang giảm dần". 

Trong khi đó, Bộ Kinh tế Đức ngày 15/4 cho biết, nền kinh tế Đức, vốn bước vào suy thoái kể từ tháng 3 do đại dịch, được dự đoán sẽ tiếp tục đối diện suy thoái cho đến giữa năm nay. 

"Thu hẹp nhu cầu toàn cầu, gián đoạn chuỗi cung ứng, thay đổi hành vi người tiêu dùng và sư khó đoán định của các nhà đầu tư đang tác động to lớn đến nước Đức", báo cáo do Bộ này công bố cho biết. Theo đó, ngay cả khi Đức nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế vẫn sẽ tiếp tục bị sụt giảm và cần nhiều thời gian để tăng trưởng trở lại.

Chính phủ Đức đã dành nhiều thời gian cân nhắc việc gia hạn hay nới lỏng các giãn cách xã hội, mặc cho các quốc gia châu Âu khác như Áo, Tây Ban Nha hay Czech đang từng bước mở cửa hoạt động trở lại. Trong thời gian qua, Đức cũng đã áp dụng triệt để các yêu cầu hạn chế đi lại, đóng cửa trường học và các dịch vụ không cần thiết để chống dịch.

Lam Ninh
.
.
.