Nga về sau phương Tây trong cuộc đua tiêm chủng vaccine COVID-19
- Tìm cơ hội dự Olympic Tokyo từ vaccine phòng COVID-19
- Hong Kong điều tra ca bệnh tử vong sau 2 ngày tiêm vaccine COVID-19
- Mỹ sẽ có đủ vaccine cho tất cả người lớn vào cuối tháng 5
TASS ngày 5/3 dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa khẳng định vaccine COVID-19 do nước này sản xuất là loại tốt nhất trên thế giới. "Thật vậy, đó là điều đáng tự hào, vaccine (Sputnik V) và các vaccine (còn lại) của chúng ta an toàn nhất và hiệu quả nhất thế giới", ông Putin nói.
Vaccine COVID-19 Sputnik V của Nga. Ảnh: RDIF |
Nhà lãnh đạo Nga cũng thông tin, đến nay, mới chỉ 2 triệu người Nga tiêm đủ hai liều vaccine COVID-19 và khoảng gần 2 triệu người khác đã tiêm ít nhất một liều, tức chỉ khoảng chưa đầy 3% dân số Nga được tiêm vaccine.
Theo truyền thông quốc tế, Nga là quốc gia đầu tiên cấp phép cho vaccine, mẫu Sputnik V, từ tháng 8 năm ngoái; cũng là quốc gia khởi động quá trình tiêm chủng diện rộng sớm hơn phương Tây, từ tháng 12/2020. Tuy nhiên, số người được tiêm vaccine tại Nga thấp hơn đáng kể so với Mỹ và nhiều nước châu Âu.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), trong tháng 2/2021, mỗi ngày có đến 1,3 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm ở Mỹ. Con số này đã tăng lên 2 triệu liều vào ngày 3/3. Tính đến ngày 4/3, khoảng 54 triệu người Mỹ đã nhận ít nhất một liều vaccine COVID-19, gấp hơn 10 lần số liệu được ghi nhận ở Nga.
New York Times cho biết, tỷ lệ dân chúng Mỹ được tiêm vaccine hiện vào khoảng 16,5%. Tới đây, con số này sẽ còn gia tăng nhanh hơn, khi các điểm tiêm chủng đại trà ở Mỹ bắt đầu đi vào hoạt động hoặc tăng công suất để triển khai vaccine mới từ Johnson & Johnson, vốn chỉ cần tiêm một liều duy nhất.
Tỷ lệ dân chúng được tiêm vaccine tại châu Âu cao hơn Nga đáng kể. Ảnh: Politico |
Mỹ hiện đã cấp phép cho 3 loại vaccine của Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson. Nga cũng cấp phép cho 3 mẫu vaccine nội địa gồm mẫu Sputnik V của viện Gamaleya, mẫu EpiVacCorona do Viện Vector điều chế và mẫu CoviVac được phát triển bởi Trung tâm Khoa học Chumakov.
Tại châu Âu, dù còn nhiều tranh cãi liên quan đến vân đề phân phối vaccine, song tỷ lệ dân chúng được tiêm chủng cũng ngày một gia tăng. Anh tính đến ngày 4/3 đã tiêm mũi đầu tiên cho gần 21 triệu người, trong đó gần một triệu được tiêm đủ hai liều.
Theo số liệu của Politico, Đức hiện đã tiêm vaccine cho hơn 6,8 triệu người. Con số này ở Tây Ban Nha là gần 4,1 triệu, ở Italy là 4,7 triệu và ở Pháp là 4,8 triệu người.
Các quốc gia như Đan Mạch, Hungary, Litva và Ba Lan có quy mô dân số thấp hơn Nga đáng kể và tỷ lệ dân chúng được tiêm tại các nước này cũng cao hơn nhiều, lần lượt là 19,1%, 11,3%, 10,9% và 9,8%. Không quốc gia nào ở châu Âu có tỷ lệ dân số được tiêm vaccine thấp hơn 3%.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc tiêm chủng tại Nga đang diễn ra chậm hơn không phải do chất lượng vaccine Nga kém. Trên thực tế, vaccine Nga đã chứng minh hiệu quả trên toàn cầu, được hàng chục quốc gia, gồm các quốc gia châu Âu, cấp phép và giới chuyên gia quốc tế xác nhận.
Tuy nhiên, khả năng sản xuất hàng loạt vaccine của các công ty dược Nga kém hơn đáng kể so với các hãng dược phương Tây, vốn có các hợp đồng với các nhà máy trên toàn cầu từ nhiều thập niên qua. Nga hiện vẫn đang đau đầu tìm cách mở rộng quy mô sản xuất vaccine.
Tính đến ngày 1/3 vừa qua, trong khi hàng chục triệu liều vaccine của Pfizer, Moderna, AstraZeneca được phân phối tới các nước, TASS nói rằng mới khoảng 7,9 triệu liều Sputnik V và 45.000 liều EpiVacCorona được đưa ra thị trường. Con số này sẽ tăng lên 50 triệu, nhưng phải tới hết tháng 5/2021.
Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF), cơ quan chịu trách nhiệm thương mại hóa Sputnik V, nói họ đã nhận được đơn đặt hàng hơn một tỷ liều vaccine loại này. Với tốc độ hiện nay, rõ ràng Nga còn rất lâu mới đáp ứng được các đơn hàng.