Nga tuyên bố sao Kim là "hành tinh của Nga"

Thứ Năm, 17/09/2020, 10:30
Người đứng đầu cơ quan vũ trụ nhà nước Nga Roscosmos tuyên bố sao Kim là "hành tinh của Nga", sau khi nghiên cứu mới của các nhà khoa học phương Tây cho rằng có thể có sự sống trên hành tinh này.

Sao Kim. Ảnh: Space

The Moscow Times ngày 16/9 đưa tin, các nhà khoa học Anh và Mỹ mới đây công bố nghiên cứu trên tạp chí Nature Astronomy, trong đó đưa ra giả thuyết rằng dường như có sự sống trên sao Kim sau khi họ phát hiện có khí phosphine trong các đám mây trên hành tinh này.

Khí phosphine có thể có nguồn gốc sinh học, được tạo ra bởi các vi sinh vật không cần dùng oxy để hô hấp. Các nhà khoa học phương Tây cho biết khí phosphine bị phá hủy nhanh chóng trên các đám mây ở sao Kim, nhưng lại được thứ gì đó tiếp tục tạo ra.

Tuy nhiên, thông tin về khả năng có sự sống ở sao Kim đã bị Nga bác bỏ. Phát biểu tại triển lãm HeliRussia 2020 hôm 16/9, Giám đốc Roscosmos Dmitry Rogozin, cho biết: "Nga là nước đầu tiên và duy nhất có thiết bị hạ cánh ở Sao Kim. Tàu vũ trụ Nga đã thu thập thông tin về hành tinh và nó giống như địa ngục".

Trong khi đó, TASS dẫn lời ông Rogodin nói rằng Nga sẽ khởi động một dự án thăm dò sao Kim riêng biệt mới vì "chúng tôi tin rằng Sao Kim là một hành tinh của Nga". Nước này hiện đang tiến hành chung một dự án khác với sao Kim cùng Mỹ.

Liên Xô trước đây là quốc gia đầu tiên bắt đầu chương trình thám hiểm sao Kim từ những năm 1960 mang tên Venera. Đến năm 1984, 13 tàu đổ bộ của Nga đã tiếp cận sao Kim, trong đó 8 tàu hạ cánh thành công lên bề mặt, 4 tàu gửi về trái đất hình ảnh bề mặt hành tinh này.

Ngoài sao Hỏa, sao Kim được xem là "anh em" của Trái đất bởi có một số điểm tương đồng. Tuy nhiên, theo những tài liệu do các nhà khoa học Liên Xô ghi lại, sao Kim có điều kiện môi trường rất khắc nghiệt khi nhiệt độ trung bình ở mức hơn 450 độ C, áp suất gấp trên 90 lần áp suất khí quyển Trái đất.

Một số nhà khoa học từng cho rằng sao Kim đã có những đại dương trong quá khứ, nhưng do không có chu trình cacbon để đưa cacbon trở lại đất đá, khiến cacbon tồn tại trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính mất kiểm soát, từ đó tạo ra môi trường khô nóng trên bề mặt.

Thiện Nhân
.
.
.