Có SpaceX, Mỹ vẫn phải đi “ké” tàu vũ trụ Nga lên không gian

Thứ Tư, 09/09/2020, 20:22
Cơ quan không gian Nga (Roscosmos) tiếp tục kí hợp đồng với Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) để cho phép một phi hành gia người Mỹ lên trạm ISS bằng tên lửa vũ trụ của Nga vào mùa xuân năm sau.

Một phi hành gia đứng gần bãi phóng tên lửa Soyuz của Nga. Ảnh: TASS

TASS ngày 8/9 dẫn thông báo của Roscosmos cho hay họ đã ký hợp đồng với NASA để cho phép một phi hành gia người Mỹ lên trạm ISS bằng tên lửa đẩy Soyuz của Nga vào mùa Xuân 2021. "Roscosmos sẽ sớm xem xét đề xuất về thành viên phi hành đoàn của sứ mệnh ISS", cơ quan hàng không vũ trụ Nga nêu.

NASA trước đó tiết lộ họ đã hoàn tất tham vấn với Roscosmos về việc mua một chỗ trên tàu Soyuz, dự kiến phóng lên ISS vào tháng 10 tới. Theo phát ngôn viên Stephanie Schierholz của NASA, cơ quan này sẽ trả hơn 90 triệu USD cho phía Nga.

Một số nguồn tin sau đó cho rằng đây sẽ là ghế lên ISS cuối cùng mà Mỹ mua của Nga, trong bối cảnh tàu Crew Dragon của hãng SpaceX đêm 31/5 đã trở thành tàu vũ trụ đầu tiên của Mỹ sau gần một thập kỷ, mang theo hai phi hành gia của NASA kết nối thành công với ISS.

Nga và Mỹ đóng vai trò chính trong xây dựng và vận hành trạm không gian ISS. Báo cáo phát đi cuối năm ngoái của NASA cho biết khoảng 240 phi hành gia đã được đưa lên ISS trên 85 con tàu vũ trụ có người lái Soyuz của Nga và tàu con thoi của Mỹ.

Từ khi chương trình tàu con thoi kết thúc vào năm 2011, các tàu Soyuz của Nga đã trở thành phương tiện duy nhất vận chuyển các phi hành gia đến và rời khỏi ISS. NASA theo đó đã chi trả cho Roscosmos khoảng 4 tỷ USD để duy trì hiện diện trên ISS, với chuyến bay gần nhất xuất phát hôm 9/4.

Mỹ gần đây phàn nàn về việc Nga tăng giá vé lên ISS trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước có nhiều căng thẳng. Từ năm 2014, hãng Boeing và SpaceX đã được NASA đầu tư gần 7 tỉ USD với mong muốn sớm chấm dứt sự phụ thuộc vào tàu vũ trụ Nga.

Sau khi đưa phi hành gia lên ISS an toàn hồi cuối tháng 5, SpaceX sẽ cần đưa họ về Trái đất an toàn sau vài tháng để có thể chính thức tuyên bố sứ mệnh đã thành công.

Thiện Nhân
.
.
.