New Zealand phát cảnh báo sóng thần liên tiếp, người dân tháo chạy trong đêm
- Động đất cực mạnh tấn công Nhật Bản, ít nhất 100 người bị thương
- Hơn 600 người thương vong trong vụ động đất tại Indonesia
Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia (NEMA) New Zealand đã đưa ra cảnh báo rằng các đợt sóng cao tới 3 mét có thể xuất hiện sau trận động đất mạnh tới 8,1 độ richter. Song NEMA đã hạ cấp độ đe dọa và cho biết những đợt sóng lớn nhất hiện đã chấm dứt.
"Tất cả những người đã sơ tán bây giờ có thể quay trở lại", NEMA thông báo.
Vị trí của một trận động đất gây ra cảnh báo sóng thần ở New Zealand Ảnh: USGS |
Trước đó, vào rạng sáng 5/3, cư dân ở các khu vực Northland và Bay of Plent trên bờ biển phía bắc gần Auckland đã được đặt trong tình trạng báo động sau khi ba trận động đất ngoài khơi xảy ra liên tiếp trong vòng chưa đầy tám giờ, kích hoạt còi báo động và cảnh báo sóng thần.
Một cảnh báo khẩn cấp đã được ban hành cho tất cả các khu vực ven biển xung quanh Auckland, thành phố có 1,7 triệu dân, nơi người dân được yêu cầu tránh xa khu vực bờ biển để đảm bảo an toàn. Không có báo cáo về thiệt hại hoặc thương vong do các trận động đất.
Trận động đất thứ ba và mạnh nhất đã tấn công quần đảo Kermadec, phía đông bắc Đảo Bắc của New Zealand, vào sáng 5/3, xảy ra ngay sau trận động đất 7,4 độ richter ở cùng khu vực. Trước đó, một trận động đất mạnh 7,2 độ richter đã xảy ra ở vị trí cách khoảng 900 km (540 dặm) về phía đông của Đảo Bắc.
Người dân di tản lên khu vực an toàn sau khi cảnh báo sóng thần được phát đi. Ảnh: Twitter |
Linda Tatare, một cư dân của Vịnh Anaura nằm trên bờ biển phía đông của Đảo Bắc, cho biết khoảng 50 người dân đã rời đi đến các khu vực cao và an toàn vào buổi sáng sau khi cảnh báo được đưa ra.
Cảnh báo sóng thần cũng được đưa ra đối với các đảo Thái Bình Dương bao gồm New Caledonia và Vanuatu, trong khi các đợt sóng thần nhỏ hơn có thể được ghi nhận ở Nam Cực và các khu vực của Nam Mỹ, Trung tâm Cảnh báo Sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ cho biết.
Các nhà khoa học thông tin, loạt trận động đất hôm 5/3 xảy ra do chuyển động kiến tạo trên ranh giới của các mảng Australia và Thái Bình Dương, một phần của Vành đai lửa Thái Bình Dương.
Australia cùng ngày cũng đã phát cảnh báo sóng thần trên biển đối với Đảo Norfolk, song cho biết không có mối đe dọa nào đối với đất liền. Người dân trên đảo Norfolk được khuyến cáo nên di dời đến vùng đất cao hoặc trong đất liền vì những đợt sóng thần nhỏ có thể ảnh hưởng đến đường bờ biển.