(NÓNG TRONG TUẦN) Pháp - Mỹ đấu khẩu vì biểu tình ở Paris, Nga bất ngờ lên án Mỹ vụ Huawei

Thứ Hai, 10/12/2018, 09:25
Các cuộc biểu tình bạo loạn ở Pháp tiếp tục leo thang, Mỹ - Nga tiếp tục tranh cãi về thỏa thuận hạt nhân và vụ bắt giữ Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính gã khổng lồ công nghệ Huawei... là những tin tức đáng chú ý nhất trong tuần.


Nước Pháp rối bời vì biểu tình “áo gile vàng”

Hàng nghìn “áo gile vàng” trong những ngày cuối tuần vừa rồi tiếp tục biến thủ đô Paris của nước Pháp thành bãi chiến trường với các cuộc biểu tình bạo động quy mô lớn. Theo AP, khoảng 125.000 người, trong đó có 10.000 người tại thủ đô Paris đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối các chính sách áp thuế xăng dầu của chính phủ.

Người biểu tình đốt đồ đạc ở Paris. Ảnh: EPA

Chính quyền Pháp đã phải điều động tới 8.000 cảnh sát để bảo vệ an ninh trật tự cho thủ đô Paris, trong tổng số 89.000 nhân viên cảnh sát được triển khai trên khắp nước Pháp nhằm ngăn chặn biểu tình lan rộng. Tại Paris, 12 xe bọc thép cũng đã được điều động để chấn áp người biểu tình quá khích.

Cơn dậy sóng ở Paris cho thấy sự chưa hài lòng với các biện pháp nhượng bộ vừa được công bố của Chính phủ Pháp, đồng thời kéo theo các làn sóng biểu tình tương tự nhen nhóm ở châu Âu và trở thành “cảm hứng” cho loạt tuyên bố phê phán Thỏa thuận khí hậu Paris mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tổng thống Pháp Macron và người đồng cấp Mỹ Trump. Ảnh: ITN

Trên Twitter, ông Trump nói: "Ngày rất buồn ở Paris. Có lẽ đã đến lúc chấm dứt Thỏa thuận Paris vô lý, rất tốn kém và trả lại tiền cho người dân dưới hình thức giảm thuế. Mỹ đã đi tiên phong và là quốc gia lớn duy nhất có lượng khí thải giảm vào năm ngoái".

Để đáp trả, Ngoại trưởng Pháp đã không ngần ngại lên án đồng minh thân cận. "Chúng tôi không quan tâm tới tình hình chính trị nội bộ của Mỹ và chúng tôi cũng mong muốn điều tương tự từ phía Mỹ", Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói. "Tôi truyền thông điệp này tới Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp cũng vậy: Hãy để yên cho đất nước tôi".

Mỹ-Nga lại tranh cãi vì INF

Các cuộc tranh cãi giữa Nga và Mỹ liên quan đến Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân tầm Trung (INF) lại nổ ra trong tuần vừa rồi, với việc Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5-12 tuyên bố cho Nga hạn 60 ngày để cứu vãn INF, theo đó yêu cầu Nga phải dỡ bỏ các hệ thống tên lửa vi phạm INF.

Trong những ngày kế tiếp, giới chức Mỹ liên tục cáo buộc hệ thống tên lửa Novator 9M729 mà Nga vừa triển khai có tầm bắn gần 5.000km, tức là bị cấm bởi INF.

Mỹ-Nga lại tranh cãi vì INF. Ảnh:RT

Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Mỹ bịa ra việc Moscow vi phạm INF để rút khỏi hiệp ước này. Ông Putin cho rằng Mỹ lo sợ việc chỉ có hai nước là Nga và Mỹ nằm trong INF khiến các nước khác có cơ hội nghiên cứu loại tên lửa trong tầm bắn 500-5000km, theo đó đặt ra các mối nguy về an ninh cho Mỹ.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết Quốc hội Mỹ thậm chí phân bổ tiền cho việc nghiên cứu các loại tên lửa bị cấm bởi INF trước khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước này. "Do đó, quyết định (rút khỏi INF) đã được thực hiện từ lâu nhưng trong lặng lẽ, họ tưởng rằng chúng tôi sẽ không nhận thấy điều đó", ông Putin nhấn mạnh.

Trong khi đó, các quan chức Nga ra cũng bác cáo buộc từ Washington, khẳng định Moscow sẽ đáp trả bằng nhiều biện pháp, trong đó có việc phát triển và biên chế các loại vũ khí có một không hai trên thế giới.

Nữ Phó Chủ tịch Huawei bị Canada bắt theo lệnh Mỹ

Canada ngày 6-12 bất ngờ xác nhận Giám đốc tài chính, Phó Chủ tịch tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu đã bị bắt theo yêu cầu của cơ quan chức năng Mỹ vì tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Iran.

Bà này bị bắt tại thành phố Vancouver cách đó gần một tuần, hôm 1-12, khi đang quá cảnh tại sân bay, cùng ngày diễn ra cuộc đối thoại giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Argentina.

  Nữ Phó Chủ tịch Huawei bị Canada bắt theo lệnh Mỹ

Bà Mạnh hiện đang đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ và có thể phải ngồi tù tới 30 năm nếu bị kết tội. Canada khẳng định việc bắt giữ bà Mạnh Văn Châu không có bất kỳ sự can thiệp hay động cơ chính trị nào và đây là hoạt động độc lập của hệ thống tư pháp.

Trong khi đó, Trung Quốc đã yêu cầu Canada thả bà Mạnh, dọa “có biện pháp trả đũa” nếu Canada không trả người và khẳng định Phó Chủ tịch Huawei không phạm pháp.

Huawei, được thành lập năm 1987, từ lâu đã nằm trong "tầm ngắm" của giới chức Mỹ. Huawei là đối thủ đã soán ngôi vị trí của tập đoàn công nghệ hàng đầu Mỹ Apple trên thị trường điện thoại thông minh. Tập đoàn Trung Quốc này cũng vướng các nghi án cài đặt phần mềm gián điệp vào các thiết bị thông minh bán ra thị trường.

Trong một động thái bất ngờ, Nga cho rằng việc Canada bắt giữ bà Mạnh theo yêu cầu của Mỹ là một minh chứng cho chính sách "nước lớn" của Washington, đồng thời lên án việc này.

Nữ tướng Merkel tìm được người kế nhiệm

Tổng thư ký đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU), Annegret Kramp-Karrenbauer, chính thức trở thành người kế nhiệm bà Angela Merkel giữ ghế lãnh đạo đảng, theo đó có thể trở thành Thủ tướng Đức nếu đảng này tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc bầu cử 3 năm nữa.

Bà Merkel và người kế nhiệm Annegret Kramp-Karrenbauer. Ảnh: ITN

Bà Annegret Kramp-Karrenbauer nhận được 51% phiếu đại biểu trong đại hội đảng ở Hamburg ngày 7-12, giành chiến thắng sít sao trước đối thủ Friedrich Merz. Ứng viên thứ 3 cho ghế chủ tịch CDU là Jens Spahn đã bị loại từ vòng bỏ phiếu thứ nhất với số phiếu ít.

Trước phiên bỏ phiếu, bà Annegret Kramp-Karrenbauer từng khẳng định bà là chính trị gia có lập trường riêng chứ không phải một "tiểu Merkel". Trong khi đó, truyền thông Đức đánh giá bà Annegret Kramp-Karrenbauer có tư tưởng bảo thủ hơn nhiều so với người tiền nhiệm Merkel.

Hồi tháng 10, bà Merkel tuyên bố sẽ rút khỏi vị trí chủ tịch CDU nhưng vẫn sẽ giữ chức Thủ tướng Đức cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại vào năm 2021. Bà Merkel từ chức sau khi đảng của bà bị sụt giảm uy tín nghiêm trọng trong các cuộc bầu cử địa phương.

Cướp ngân hàng rồi đấu súng như phim ở Brazil

Trong một vụ cướp ngân hàng táo tợn bậc nhất Brazil, ngày 7-12, cảnh sát nước này đã buộc phải đấu súng để ngăn chặn hàng chục tên cướp trên một con phố lớn ở Milagres, bang Ceará, nằm ở phía Đông Brazil.

Theo truyền thông địa phương, các tên cướp đã có ý định cho nổ máy rút tiền ATM, khiến cảnh sát phải nổ súng, các tay súng sau đó bắt giữ một số người ở 2 ngân hàng cùng một con phố làm con tin. Cảnh sát sau đó đã nổ súng trước để áp chế.

Cảnh sát đưa thi thể một nhạn nhân vụ đấu súng ra ngoài hiện trường.

Những tên tội phạm lập tức bắn trả. Vụ đấu súng sau đó giữa hai bên khiến 12 người thiệt mạng bao gồm 6 tên cướp và 6 con tin, trong đó có 2 trẻ em. Theo ông Lielson Macedo Landim, thị trưởng Milagres, khẳng định các con tin bị giết bởi những tên cướp chứ không phải do trúng đạn từ súng của phía cảnh sát.

Ông này cũng xác nhận 5 trong số 6 con tin bị sát hại là một gia đình, khi những tên cướp đã chặn xe của họ hòng thoát thân. Ít nhất 2 tên cướp đã bỏ trốn và chưa bị bắt lại.

Thiện Minh (Tổng hợp)
.
.
.