Mỹ thề ngăn Nga, Trung Quốc bán tên lửa, xe tăng cho Iran
- Mỹ yêu cầu Liên Hợp Quốc tái áp đặt trừng phạt Iran
- Trung Quốc: Mỹ không có quyền áp lệnh trừng phạt quốc tế với Iran
- Thực hư việc Mỹ bắt giữ tàu chở dầu của Iran
Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/8 tuyên bố Washington sẽ tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt sâu rộng nhằm vào Iran, bất chấp việc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 14/8 bác đề xuất của Mỹ kéo dài lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: ITN |
Theo lời ông Pompeo, Mỹ sẽ dùng mọi công cụ sẵn có để ngăn các nước bán vũ khí cho Iran. "Nếu phát hiện bất kỳ nước nào vi phạm lệnh cấm vận hiện tại của Mỹ, chúng tôi sẽ buộc họ chịu trách nhiệm", Ngoại trưởng Mỹ nói.
"Thế giới sẽ an toàn hơn. Iran sẽ không thể có cơ hội mua tên lửa phòng không Nga, mua xe tăng Trung Quốc - điều mà sẽ gây bất ổn cho Trung Đông", ông Pompeo khẳng định, cho biết thêm các nước vùng Vịnh và Israel rất hoan nghênh động thái của Mỹ.
Phát biểu được đưa ra một ngày sau khi ông Pompeo gửi thư cho chủ tịch Hội đồng Bảo an LHQ cáo buộc Iran không tuân thủ Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), thỏa thuận hạt nhân được Tehran ký với các cường quốc năm 2015, để từ đó kích hoạt cơ chế tái áp đặt lệnh cấm vận của LHQ nhằm vào Iran.
Dù đơn phương rút khỏi thoả thuận hạt nhân Iran từ 2018, song Mỹ lập luận rằng, nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ sau khi JCPOA được ký kết đã coi Mỹ là một bên của văn kiện này, tức Washington có quyền tái kích hoạt cơ chế cấm vận quốc tế nhằm vào Iran như đã được áp dụng trước năm 2015.
Nếu Hội đồng Bảo an không phê chuẩn nghị quyết kéo dài biện pháp nới cấm vận Tehran trong 30 ngày tới, toàn bộ lệnh trừng phạt của LHQ trước khi JCPOA được ký, sẽ được áp đặt trở lại. Đáng nói là, Mỹ là thành viên Hội đồng Bảo an và có thể dùng quyền phủ quyết để ngăn nghị quyết gia hạn nới cấm vận Iran.
Trước động thái của Mỹ, Nga và Trung Quốc cùng nhấn mạnh họ sẽ vẫn hợp tác với Iran, đồng thời tái khẳng định lập trường rằng Mỹ đã rút khỏi JCPOA thì không có quyền yêu cầu gia hạn lệnh cấm. Hai nước lo ngại các biện pháp gây sức ép theo kiểu "dồn Iran vào chân tường" sẽ khiến thoả thuận hạt nhân sụp đổ toàn diện.
Anh, Đức và Pháp, các đồng minh châu Âu của Mỹ, cũng ra thông cáo chung khẳng định không ủng hộ yêu cầu tái áp đặt lệnh trừng phạt Iran do Mỹ đề xuất, cho rằng Washington không có quyền pháp lý để kích hoạt cơ chế tái cấm vận vì đã rút khỏi JCPOA từ năm 2018.
Tuần trước, ngày 14/8, trong cuộc bỏ phiếu về đề nghị của Mỹ gia hạn lệnh cấm vận vũ khí nhằm vào Iran tại Hội đồng Bảo an, chỉ có đại diện của Mỹ và Dominica bỏ phiếu thuận, trong khi các đồng minh châu Âu của Washington đều bỏ phiếu trắng. Nga và Trung Quốc bỏ phiếu chống.
Theo Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an về thực thi JCPOA, lệnh cấm vận vũ khí quốc tế nhằm vào Iran sẽ hết hạn vào tháng 10 tới. Việc không thể gia hạn lệnh cấm vận vũ khí được cho là lý do Mỹ quyết tâm tái kích hoạt cơ chế cấm vận quốc tế nhằm vào Iran giống như thời trước năm 2015.