Mỹ trừng phạt đồng minh thân cận vì mua vũ khí của Nga
Hệ thống S-400 của Nga. Ảnh Reuters. |
Động thái này có khả năng chọc giận Ankara và làm phức tạp nghiêm trọng mối quan hệ với chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Các nguồn tin của Reuters cho biết, các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào Cơ quan Công nghiệp Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ và người đứng đầu tổ chức này, Ismail Demir. Các lệnh trừng phạt sẽ gây thiệt hại nhưng có diện hẹp hơn so với các kịch bản nghiêm trọng mà một số nhà phân tích đã đưa ra trước đây.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã suy yếu tới 1,4% sau tin tức này được đưa ra. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gây hại cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đang vật lộn với suy thoái do đại dịch COVID-19 gây ra, lạm phát hai con số và dự trữ ngoại hối cạn kiệt nghiêm trọng.
Một quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết các lệnh trừng phạt sẽ phản tác dụng và làm tổn thương quan hệ giữa hai thành viên NATO. “Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ giải quyết những vấn đề này bằng ngoại giao và đàm phán” và “sẽ không chấp nhận những áp đặt một chiều”, quan chức này nhấn mạnh.
Quyết định này sẽ có tác động không chỉ đối với Thổ Nhĩ Kỳ mà còn gửi thông điệp tới các đối tác của Mỹ trên khắp thế giới, những nước có thể đang cân nhắc mua thiết bị quân sự của Nga và đã được cảnh báo nhiều lần về các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Tayyip Erdogan, đã hy vọng rằng những lời đe dọa của Mỹ sẽ không trở thành sự thật, đặt cược rằng mối quan hệ tốt đẹp mà ông có với Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ giúp Ankara tránh được trừng phạt của Mỹ.
Ông Trump từ lâu đã phản đối các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ bất chấp lời khuyên của các cố vấn. Các quan chức trong chính quyền của ông đã khuyến nghị nội bộ các biện pháp trừng phạt đối với Ankara vào tháng 7/2019, khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu chuyển giao S-400.
Một số nguồn tin cho biết nhiều khả năng những lệnh trừng phạt sẽ được công bố trong ngày 11/12 (giờ Mỹ), thậm chí có thể sớm hơn.
Tuy nhiên, áp lực ngày càng tăng của Mỹ không phải là không có rủi ro. Washington không muốn đẩy chính phủ Erdogan đến gần hơn với Tổng thống Nga Putin.
Nga đã chuyển giao hệ thống S-400 tân tiến vào năm ngoái và Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm vào tháng 10 vừa qua. Ankara cho biết những hệ thống này sẽ không được tích hợp vào các hệ thống của NATO và không gây ra mối đe dọa nào.
Tuy vậy, Mỹ vẫn khẳng định rằng S-400 thực sự là một mối đe dọa và năm ngoái đã tuyên bố loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình liên quan đến máy bay chiến đấu F-35 sau quyết định của Ankara.
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin là máy bay tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Mỹ và được các thành viên NATO cũng như các đồng minh khác của Mỹ sử dụng.