Mỹ - Hàn tái khẳng định nỗ lực giải quyết vấn đề Triều Tiên

Thứ Bảy, 24/07/2021, 07:28
Tại chặng dừng chân thứ hai trong chuyến công du châu Á kéo dài 8 ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có nhiều cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Hàn Quốc. Hai bên đã cùng thảo luận về vấn đề song phương, quốc tế cũng như cuộc đàm phán hạt nhân bị đình trệ với Triều Tiên.


Tại cuộc hội đàm hôm 23/7 với người đồng cấp nước chủ nhà Choi Jong-kun, bà Wendy Sherman cho biết chương trình nghị sự cuộc họp bao gồm các thách thức khu vực “đe dọa phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, đồng thời nhấn mạnh Seoul và Washington bị ràng buộc bởi “lợi ích an ninh chung” và “các giá trị dân chủ và tự do chung”. Bà bày tỏ mong đợi Washington và Seoul sẽ tiếp tục thảo luận về các thách thức trong khu vực, bao gồm các hành động đi ngược lại lợi ích của Mỹ-Hàn và đe dọa phá hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ hy vọng sẽ thảo luận về cách thức hai nền dân chủ Mỹ-Hàn có thể tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, một trong những cuộc khủng hoảng lớn nhất mà thế giới phải đối mặt.

Bà Wendy Sherman và người đồng cấp Choi Jong-kun. Ảnh: Yonhap

Về phần mình, ông Choi Jong Kun lưu ý đến vai trò của người đồng cấp Mỹ trong Tiến trình Perry vào năm 1999, nói rằng nỗ lực này chứng tỏ vấn đề Bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết thông qua hoạt động ngoại giao. Tiến trình Perry do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry đưa ra là một đề xuất 3 giai đoạn nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên và bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên.

Đề cập đến quan hệ hai nước, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng, hoạt động liên lạc và trao đổi giữa Seoul và Washington diễn ra không ngừng nghỉ kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên cầm quyền, nhấn mạnh điều này chứng minh thực tế liên minh Hàn-Mỹ đang được nâng cấp thành một liên minh vững mạnh, trong đó hai nước giúp đỡ lẫn nhau.

Trước đó, tại cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong và bà Wendy Sherman, hai nhà lãnh đạo đã tái khẳng định mục tiêu đạt được phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên, điều mà Tổng thống hai nước cũng đã nhất trí trong cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Mỹ trước đó. Chia sẻ quan điểm rằng đối thoại và ngoại giao là cần thiết để đạt được mục tiêu này, hai bên đã nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ ở mọi cấp độ để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.

Tại cuộc gặp, Ngoại trưởng Chung Eui-yong đã đề nghị phía Mỹ nỗ lực thực hiện các bước tiếp theo nhằm triển khai những kết quả đạt được tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Joe Biden vào ngày 21/5, trong đó có vấn đề kinh tế và các vấn đề toàn cầu khác. Về phần mình, bà Wendy Sherman nhấn mạnh Mỹ đánh giá cao sự phát triển của mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn, góp phần đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực Đông Bắc Á cũng như Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cùng ngày, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Thống nhất nước chủ nhà Lee In-young và tại cuộc hội đàm riêng rẽ với Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Choi Young-in, nhà ngoại giao Mỹ đã thể hiện quan điểm ủng hộ cuộc đối thoại xuyên biên giới cũng như hợp tác với Triều Tiên, nhất trí duy trì hợp tác và liên lạc song phương với bộ này về các vấn đề liên quan đến Bán đảo Triều Tiên. Trong chuyến thăm Hàn Quốc lần này, Thứ trưởng Wendy Sherman đã hội kiến Tổng thống Moon Jae-in tại Nhà Xanh. Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị quan chức ngoại giao Mỹ đóng vai trò chủ động để nối lại các cuộc đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Về phần mình, bà Wendy Sherman bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ phản ứng tích cực với đề nghị đối thoại của chính quyền Mỹ hiện nay vào một ngày sớm nhất. Bà nhấn mạnh mong muốn Washington và Seoul duy trì chiến dịch hợp tác chặt chẽ về vấn đề Triều Tiên.

Sau Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ sẽ tới thăm Mông Cổ trước khi tới Trung Quốc và Oman sau đó. Chuyến công du của bà Wendy Sherman tới Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh đang đối đầu trên hàng loạt lĩnh vực, từ nhân quyền, tin tặc, an ninh trên biển, cho đến vấn đề Hong Kong, hay cạnh tranh công nghệ, kinh tế. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, bà Wendy Sherman sẽ “thảo luận những lĩnh vực mà chúng tôi quan ngại sâu sắc về hành vi của Trung Quốc cũng như những lĩnh vực mà lợi ích của hai bên gặp nhau.

Những cuộc thảo luận này là một phần trong nỗ lực không ngừng nghỉ của Mỹ nhằm tổ chức những cuộc trao đổi thẳng thắn với các quan chức Trung Quốc để thúc đẩy các lợi ích và giá trị của Mỹ, và để quản lý quan hệ một cách có trách nhiệm”. Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, Bắc Kinh sẽ “thể hiện rõ ràng với phía Mỹ về nguyên tắc và quan điểm của nước này với sự phát triển của quan hệ Mỹ-Trung, cũng như thái độ kiên quyết đối với việc bảo vệ an ninh chủ quyền và các lợi ích phát triển của mình”.

Giới phân tích cho rằng, mặc dù chuyến thăm của bà Wendy Sherman là dấu hiệu tốt cho thấy Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục các cuộc đối thoại, tuy nhiên những căng thẳng trong cuộc đối thoại giữa hai phái đoàn cấp cao Mỹ và Trung Quốc hồi tháng 3/2021 và các biện pháp trừng phạt đáp trả lẫn nhau liên quan đến cách Trung Quốc xử lý vấn đề Tân Cương và Hong Kong được cho là sẽ tạo rào cản lớn trong các cuộc đàm phán.

Ông Yu Jie – chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia Anh (Chatham House) cho rằng: “Các vấn đề được đưa ra thảo luận có thể rất nhiều do những bất đồng giữa hai phía trên nhiều lĩnh vực, từ quyết định của Mỹ đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen đến tấn công mạng, trừng phạt các quan chức liên quan vấn đề Tân Cương. Rất khó để thấy triển vọng cải thiện quan hệ song phương”.

Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington hy vọng sẽ chứng minh cho Trung Quốc thấy được “một cuộc cạnh tranh có trách nhiệm và lành mạnh là như thế nào” thông qua chuyến thăm của một trong những nhà ngoại giao cấp cao đáng tin cậy nhất của Tổng thống Joe Biden. Mỹ bày tỏ mong muốn có được “những hàng rào an toàn” trong mối quan hệ song phương và đảm bảo rằng, cuộc cạnh tranh sẽ không trở thành cuộc xung đột. Một số phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã phản ứng gay gắt trước tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Thời báo Hoàn Cầu đăng tải một bài xã luận ngày 22/7 cho biết: “Nhưng hàng rào an toàn như vậy sẽ là hàng rào đơn phương của Mỹ nhưng là một nhà tù được bao quanh bằng dây thép gai đối với Trung Quốc”.

Bất chấp những lời lẽ chỉ trích nói trên, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ đặt nền móng cho các nhà ngoại giao hàng đầu của hai nước gặp nhau và mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra vào tháng 10 năm nay, chuyên gia Bonny Lin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington nhận định. “Cả hai nước đều muốn chứng tỏ một số “thắng lợi”, trong đó có những nỗ lực cụ thể mà hai bên đã đạt được một số tiến triển và nhất trí cùng nhau thúc đẩy. Về khía cạnh đó, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều điều được mong đợi từ chuyến thăm này”, bà Bonny Lin lưu ý.
Khổng Hà
.
.
.