Lũ chồng lũ trên sông Dương Tử, nhiều khu vực Trung Quốc tê liệt
- Trung Quốc ban hành cảnh báo đỏ lũ trên sông Dương Tử
- Trung Quốc "oằn mình" trong đợt mưa lũ lịch sử
Ngày 18/7, ba cửa xả lũ của đập Tam Hiệp bắc qua sông Dương Tử đã được mở, khi mực nước dâng lên cao gần chạm mức tối đa 175 mét theo thiết kế. Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực giành giật sự sống của người dân, trong bối cảnh mưa lũ đang tàn phá Trung Quốc theo cách chưa từng thấy.
AP cho biết, ít nhất 14 người đã thiệt mạng tại miền Nam Trung Quốc chỉ trong ngày 18/7 do ảnh hưởng của mưa lũ. Trong số đó có 11 người thiệt mạng tại Trùng Khánh, theo báo cáo của Đài Phát thanh khẩn cấp quốc gia. Hơn 20.000 người dân đã buộc phải sơ tán, hơn 1.000 ngôi nhà bị phá hủy.
Mực nước tiếp tục dâng cao tại một số khu vực. Ảnh: News CN |
Hàng loạt nhà cửa bị nhấn chìm. Ảnh: Reuters |
Tân Hoa Xã cho biết, cơ quan Tài nguyên nước của tỉnh Giang Tô phía Đông Trung Quốc đã nâng mức cảnh báo mưa lũ lên mức cao nhất tại Nam Kinh, khu vực sông Dương Tử chảy qua sau khi mực nước cao kỷ lục được ghi nhận tại đây.
Trước đó, Công ty Tam Hiệp Trung Quốc, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp, ngày 18/7 thông báo trận lũ lớn thứ 2 trong năm nay trên sông Dương Tử (sông Trường Giang) đã về đến đập thủy điện lớn nhất thế giới, theo Tân Hoa xã.
Theo Bộ Tài nguyên Nước Trung Quốc, lưu lượng nước đổ vào đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang dài nhất châu Á đã chạm mức 61.000 m3/giây vào sáng 18/7, đẩy mực nước ở hồ chứa Tam Hiệp lên 160 mét.
Lực lượng cứu hộ nỗ lực giải cứu người dân mắc kẹt bởi mưa lũ. Ảnh: Reuters |
Các binh sĩ hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau lũ. Ảnh: News CN |
Tỉnh An Huy phía Đông Trung Quốc đã kích hoạt hệ thống ứng phó khẩn cấp cấp I để kiểm soát lũ vào lúc 6h tối ngày 18/7 (giờ địa phương), cấp cao nhất trong hệ thống ứng phó khẩn 4 cấp vì mưa lũ quá khắc nghiệt.
Cho đến nay, dòng chính của sông Dương Tử ở An Huy và trạm thủy văn Wangjiaba của sông Hoài Hà đều ghi nhận mực nước vượt qua mức cảnh báo. Hiện, mưa lớn đã ảnh hưởng đến 11 thành phố và hơn 3 triệu người trong tỉnh. An Huy dự báo sẽ có thêm hai đợt mưa lớn trong những ngày tới.
Theo For News, tại những khu vực lũ đã tràn qua, người dân đang vật lộn để dọn dẹp nhà người ngập trong bùn lầy và hư hại nghiêm trong. Các nhân viên cứu hộ ở thành phố Enshi đang nỗ lực giải cứu hơn 1.900 người đang mắc kẹt tại các tòa nhà.
Trong khi đó, lực lượng cứu hỏa và đơn vị chức năng đã tiến hành lấp một đoạn đường trên con đê thuộc hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc Poyang, sau khi con đê này bị vỡ hồi tuần trước làm ngập 15 ngôi làng, khiến hơn 14.000 người phải sơ tán.
Ba cửa xả lũ của đập Tam Hiệp bắc qua sông Dương Tử đã được mở. Ảnh: SCMP |
Nhiều khu dân cư bị cô lập vì bão lũ. Ảnh: Getty |
Công tác khắc phục hậu quả do mưa lũ được khẩn trương triển khai tại những nơi lũ lụt tràn qua. Ảnh: News CN |
SCMP cho biết, trận lũ lụt tồi tệ nhất tại Trung Quốc trong những năm gần đây xảy ra vào năm 1998, khiến hơn 2.000 người chết và gần 3 triệu ngôi nhà bị phá hủy, chủ yếu dọc theo sông Dương Tử.
Hiện, mối lo ngại mưa lũ đã tăng lên ở Vũ Hán, Hồ Bắc - nơi dịch COVID-19 bùng phát và các đô thị hạ lưu khác, với hàng chục triệu người sinh sống. Tại Hồ Bắc, các máy bay trực thăng cỡ lớn đã được triển khai để đổ hàng tấn cát và sỏi lên đê để tránh nguy cơ bị vỡ đê do lũ lụt.
Hơn 20 triệu người tại 24 tỉnh - bao gồm các đô thị như An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam, Trùng Khánh và Quý Châu - đã bị ảnh hưởng bởi trận lụt trong những tuần gần đây. Hơn 1,7 triệu người đã buộc phải di dời, theo Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc.
Trung tâm Khí tượng Quốc gia Trung Quốc cho biết mưa lớn sẽ tiếp tục tàn phá Hồ Bắc, An Huy, Hà Nam, Hồ Nam và Quý Châu vào cuối tuần này, với lượng mưa dự kiến từ 100 mm tới 180 mm.
Khoảng 1,8 triệu người đã được sơ tán và thiệt hại trực tiếp do lũ lụt ước tính lên tới hơn 7 tỷ USD, theo Bộ Quản lý Khẩn cấp.