Trung Quốc "oằn mình" trong đợt mưa lũ lịch sử

Thứ Năm, 16/07/2020, 17:49
Những trận mưa lớn bất thường trút xuống suốt nhiều tuần liên tiếp đã nhấn chìm một loạt địa phương của Trung Quốc trong biển nước, gây thiệt hại nặng nề về người, tải sản.

Cách đây vài tháng, hơn 11 triệu dân thành phố Vũ Hán ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc được yêu cầu ở yên trong nhà để ngăn đà lây lan của dịch COVID-19, thì nay, hàng ngàn người lại được vận động ra đường giúp gia cố, tuần tra đê kè, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp lũ dâng cao hơn nữa trên sông Dương Tử, còn gọi là Trường Giang, Straits Times ngày 15/7 đưa tin.

Một góc thành phố Cửu Dương của Trung Quốc bị chìm trong biển nước mênh mông. Ảnh: StraitsTimes

Tại những khu vực trũng, thấp của tỉnh Hồ Bắc, mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã gây lở đất, lũ quét, làm 14 người thiệt mạng. Ở thủ phủ Vũ Hán, nước lũ tràn vào nhiều nhà dân, ngập quá bụng người, khiến cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. 

Cách đây vài hôm, chính quyền Vũ Hán đã lệnh đóng cửa 188 bến phà, cấm hoạt động tại các cảng sông và triển khai hơn 12.000 người tuần tra tại nhiều điểm có nguy cơ cao dọc sông Dương Tử và các vùng phụ lưu. 

Dẫu vậy, mưa lớn được dự báo sẽ kéo dài thêm nhiều ngày nữa, khiến mực nước sông Dương Tử đoạn chảy qua thành phố còn tiếp tục dâng cao, hiện đã suýt chạm ngưỡng 29m, cao hơn báo động khoảng 1,5m. “Vũ Hán vừa mới hết dịch bệnh, và giờ lại tới lụt lội. Năm nay đúng là một năm ‘thảm họa’. Lụt lội khắp mọi nơi, chỗ nào cũng mênh mông nước. Hiếm khi tôi thấy chuyện như vậy”, một cư dân thành phố nói với tờ SCMP.

Hồ Bắc không phải địa phương duy nhất đang hứng chịu thiệt hại do đợt thiên tai này ở Trung Quốc. Số liệu thống kê trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) tính đến chiều 16-7 cho thấy, đợt lũ lụt do mưa lớn bất thường kéo dài từ đầu tháng 6 đã cướp đi 141 sinh mạng, buộc hơn 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, trong tổng số gần 39 triệu người bị ảnh hưởng tại 27/31 tỉnh, thành, chủ yếu ở miền Trung, Đông và Nam nước này. 

Nước lũ khiến nhiều đoạn sông, hồ bị sạt lở, cuốn theo nhà cửa. Ảnh: AP

Thông tấn Tân Hoa xã, thì thông báo, có ít nhất 29.000 ngôi nhà đã bị lũ lụt tàn phá, hàng trăm ngàn hecta hoa màu bị cuốn trôi, thiệt hại tài sản ước tính lên đến hơn 12,3 tỷ USD. Vẫn theo Tân Hoa xã, mực nước tại 433 con sông của Trung Quốc đã dâng quá mức báo động, trong khi 33 con sông chứng kiến mực nước cao chưa từng có trong lịch sử.

Mưa lớn không dứt, lượng nước đổ về quá lớn, đập Tam Hiệp khổng lồ chắn ngang sông Dương Tử ở tỉnh Hồ Bắc, được ca ngợi là con đập giúp điều hòa lũ, gần đây đã buộc phải mở một loạt cửa xả đáy, khiến nước lũ tràn xuống hạ lưu. 

Giới chức Trung Quốc xác nhận hơn 200 con sông đã bị vỡ đê, gây ngập nghiêm trọng nhiều khu vực lân cận. Đa số những con sông trên nằm trong lưu vực sông Dương Tử, chảy từ phía Tây sang Đông - là vùng đường thủy dài nhất, quan trọng nhất và có mật độ dân cư đông đúc, kết nối các đô thị công nghiệp lớn của Trung Quốc. 

ABCNews mới đây ngày dẫn thông báo của Đài Khí tượng Trung ương Trung Quốc dự báo, mưa lớn sẽ tiếp tục trút xuống lưu vực sông Dương Tử thêm ít nhất 4-5 ngày nữa, trước khi đi lên phía Bắc, dấy lên lo ngại điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra. Các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất từ đợt lũ lụt lần này là Giang Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam ở miền Trung Trung Quốc; An Huy, Chiết Giang và Giang Tô ở phía Đông; và tỉnh Trùng Khánh ở phía Nam những ngày qua đều lần lượt nâng mức cảnh báo ứng phó với thiên tai và “nín thở” chờ đợi.

Đập Tam Hiệp mở cửa xả lũ. Ảnh: ITN

Trước đó, để ứng phó với mưa lũ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 12/7 đã yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng nhanh chóng có kế hoạch ứng phó và kêu gọi dân chúng hãy “can đảm”. Ông Tập khẳng định việc đảm bảo cuộc sống và an toàn cho người dân là ưu tiên hàng đầu, đồng thời hối thúc lực lượng vũ trang tích cực tham gia hoạt động cứu trợ thiên tai. 

Tính đến nay, hàng chục ngàn binh sĩ, trong đó ít nhất 24.000 binh sĩ Trung Quốc đã được huy động tham gia công tác chống lũ chỉ riêng ở miền Đông nước này.

Tại thị trấn Hồ Bà Dương thuộc tỉnh Giang Tây, khu vực nằm ngay cạnh hồ nước ngọt lớn nhất Trung Quốc có cùng tên, các binh sĩ đang chạy đua sửa chữa các điểm yếu, gia cố và đắp cao đê để chuẩn bị trước tình huống nước lũ dâng cao đe dọa cuộc sống của 400.000 cư dân. Cách đây hai hôm, một số đoạn đê hồ Bà Dương bị vỡ, khiến nước lũ tràn qua, nhấn chìm nhiều nhà cửa, song sau đó đã được sửa chữa.

Theo CCTV, năm 1998, dưới tác động của hiện tượng thời tiết Elnino, lưu vực sông Dương Tử từng xảy ra trận lụt lịch sử, vốn đã làm chết hơn 3.700 người. Một số chuyên gia gần đây bày tỏ lo ngại đợt lũ lụt lần này có thể gây ra những hậu quả giống như 30 năm trước, song giới chức Trung Quốc trấn rằng, an tình thế sẽ không nghiêm trọng đến vậy, bởi, dù biến động thời tiết cực đoan vẫn là nguyên nhân chính gây nên đợt mưa kéo dài kỷ lục vừa qua ở Trung Quốc, song đợt thay đổi này không mạnh bằng giai đoạn 1998. 

Thêm vào đó, Trung Quốc những năm qua đã tăng mức độ phòng chống lũ lụt, xây dựng đê cao và thiết lập các vùng tích nước lũ nhằm giảm thiểu nguy cơ thiệt hại. 

Ông Cao Kiến Quốc, quan chức thuộc Ủy ban giảm nhẹ thiệt hại thiên tai thuộc Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc mới đây nói, đợt lũ lụt năm nay sẽ là “một thử nghiệm với hệ thống đập trữ nước và khả năng ứng phó tổng thể của Trung Quốc với thiên tai”. “Chúng tôi đang đánh giá và điểm số sẽ có khi mưa lũ qua đi”, quan chức này nhấn mạnh.

Thiện Nhân
.
.
.