Lãnh đạo quân đội Nga, Mỹ điện đàm về tình hình Syria
- Tình hình Syria nóng hầm hập, Thủ tướng Đức lại tìm tới ông Putin
- Bước ngoặt mới trong tình hình Syria
- Liên hợp quốc họp khẩn về tình hình Syria
Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì các kênh liên lạc hiện nay. Nội dung chi tiết cuộc điện đàm không được tiết lộ.
Cùng ngày, bình luận về khả năng Mỹ rút quân khỏi Syria, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết Moscow không nuôi ảo tưởng về việc Washington sẽ sớm rút quân bởi đây là một tiến trình lâu dài và mâu thuẫn. Tuy nhiên, theo ông Sergei Ryabkov, Mỹ càng sớm rút quân khỏi Syria thì khu vực càng trở nên an toàn và yên bình hơn.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov (trái) và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford. Ảnh: TASS. |
Trước đó, hôm 5-1, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho hay, một số binh sỹ nước này có thể sẽ ở lại căn cứ At-Tanf ở miền Nam Syria sau khi lực lượng Mỹ rời khỏi quốc gia Trung Đông.
Trong khi đó, theo một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington không có thời gian biểu cho việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Syria, song cũng không có kế hoạch ở lại quốc gia Trung Đông này vô thời hạn.
Phát biểu trước báo giới trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới Trung Đông vào tuần tới, quan chức này nhấn mạnh: “Chúng tôi không có thời gian biểu cho các lực lượng quân sự của chúng tôi rút khỏi Syria. Chúng tôi không có ý định duy trì hiện diện quân sự vô thời hạn ở Syria. Tổng thống Donald Trump đã đưa ra quyết định rằng, chúng tôi sẽ rút quân và chúng tôi lập kế hoạch để làm điều đó ngay bây giờ”.
Chuyến thăm Trung Đông lần này của Ngoại trưởng Mỹ được cho nhằm mục đích trấn an đồng minh khu vực, vực dậy niềm tin vào nước Mỹ trước một số thay đổi “mang tính bước ngoặt” trong chính sách của Washington gần đây. Đối với các đồng minh Arab, việc Mỹ rút quân đồng nghĩa một “khoảng trống” quyền lực trong khu vực sẽ tồn tại. Điều mà các nước Arab lo ngại là nó sẽ rơi vào tay đối thủ của họ, là Iran.
Chính vì thế, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ cần trấn an khu vực trong chuyến thăm 8 nước Trung Đông lần này - sắp xếp thứ tự chuyến thăm sẽ là: Jordan, Ai Cập, Barain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Saudi Arabia, Oman và Kuwait.
Hồi tuần trước, Nhà Trắng không loại trừ khả năng Ngoại trưởng Mỹ sẽ đến thăm cả Iraq, song thông tin này đến nay vẫn chưa được Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận. Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ có bài phát biểu tại thủ đô Cairo, Ai Cập, nhấn mạnh thông điệp chính là “Mỹ sẽ không rời Trung Đông”.
Cùng với đó, Washington mong muốn các đồng minh khu vực sẽ cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh và ổn định cho khu vực trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng hồi sinh của các tổ chức khủng bố cực đoan như IS và Al-Qaeda.
Ngoài các mục tiêu đó, đến thăm các nước vùng Vịnh lần này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn muốn xốc lại mối quan hệ với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh GCC, với kế hoạch tổ chức một hội nghị của Khối trong Quý 1 năm 2019. Hội nghị này sẽ tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh giữa Qatar và 3 nước thuộc Khối, cũng như cách thức chấm dứt cuộc chiến ở Yemen.
Dự báo, chặng dừng chân của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tại Saudi Arabia sẽ được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi vụ án giết hại nhà báo Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù khẳng định là đồng minh thân cận, song Mỹ vẫn mong muốn thấy được sự “minh bạch, rõ ràng” trong quá trình điều tra vụ án, cũng như tiến trình xét xử các đối tượng liên quan mà chính quyền Saudia Arabia đã và đang tiến hành.
Hôm 4-1 vừa qua, Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton đã rời thủ đô Washington để tới thăm Israel và sau đó là Thổ Nhĩ Kỳ. Một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết, đến với Israel lần này, ông John Bolton muốn lắng nghe ý kiến hay những quan ngại của Israel về quyết định rút quân ra khỏi Syria của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Những ảnh hưởng của Iran tại Syria hay một số hợp tác về công nghệ giữa Israel và Trung Quốc cũng sẽ được ông John Bolton để mắt đến trong chuyến thăm Israel lần này.
Cũng từ quyết định rút quân, số phận người Kurd, Syria - mà Mỹ lâu nay hậu thuẫn, hiện là mối bận tâm lớn của Chính phủ Mỹ. Tổng thống Mỹ từng cho biết: “Mỹ muốn bảo vệ người Kurd, nhưng chúng tôi không thể ở lại Syria mãi mãi. Đó chỉ còn là nơi của cát và sự chết chóc”.
Đó là một phần lý do ông John Bolton chọn Thổ Nhĩ Kỳ là một chặng dừng chân tiếp theo. Chuyến thăm được coi là một nỗ lực cuối cùng của Mỹ để tránh một cuộc thảm sát người Kurd từ phía Ankara.
Ngoài ra, cuộc chiến dọn sạch “tàn dư” IS mà Tổng thống Mỹ muốn Thổ Nhĩ Kỳ “thế vai”, hay những hợp đồng vũ khí quan trọng giữa 2 bên cũng sẽ là một nội dung nghị sự quan trọng mà ông Bolton muốn bàn với các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ.