Thổ Nhĩ Kỳ lên án Mỹ vì công nhận vụ diệt chủng thời Đế chế Ottoman

Thứ Sáu, 13/12/2019, 11:05
Thượng viện Mỹ ngày 12-12 thông qua nghị quyết trong đó công nhận vụ giết hàng loạt những người Armenia thế kỷ trước là diệt chủng, một động thái lịch sử và là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ đang trắc trở giữa Washington và Ankara.
Sau chuyến thăm đến Mỹ, ông Erdogan vẫn khẳng định tiếp tục chương trình S-400 của Nga. Ảnh minh họa Reuters. 

Việc công nhận vụ việc này là diệt chủng diễn ra một tháng sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đến Nhà Trắng. Ông Erdogan có mối quan hệ đặc biệt với ông Trump, bất chấp các vấn đề ngày càng gia tăng làm xấu đi quan hệ hai nước. Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối việc công nhận này.

Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ dẫn đầu đã thông qua nghị quyết này với tỷ lệ ủng hộ áp đảo hồi tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, việc bỏ phiếu thông qua tại Thượng viện đã liên tục bị các thượng nghị sĩ Cộng hòa cản trở sau chuyến thăm của ông Erdogan đến Mỹ.

“Đây là một sự tưởng nhớ đến 1,5 triệu nạn nhân của vụ diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 20 và bước đi táo bạo trong thúc đẩy chương trình nghị sự phòng ngừa diệt chủng. Sẽ không bao giờ có chuyện này xảy ra nữa”, Thủ tướng Armenia Nikol Pashsinyan đăng tải trên Twitter.

Nghị quyết này khẳng định rằng đây là bước đi của Mỹ trong tưởng nhớ 1,5 triệu nạn nhân trong vụ diệt chủng dưới thời Đế chế Ottoman từ năm 1915 đến 1923. Đế chế Ottoman vẫn tập trung tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay.

Thổ Nhĩ Kỳ từng thừa nhận rằng nhiều người Armenia sống dưới Đế chế Ottoman đã bị giết trong các cuộc đụng độ với lực lượng Ottoman trong Thế chiến thứ nhất, nhưng tranh cãi về các số liệu và phủ nhận rằng các vụ giết người được dàn dựng một cách có hệ thống và tạo thành một cuộc diệt chủng.

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu gọi quyết định này là một “chương trình về chính trị”, trong khi người phát ngôn của Tổng thống nước này, Ibrahim Kalin, cho biết Ankara lên án mạnh mẽ và bác bỏ động thái này. 

Một số nghị sĩ Mỹ cho biết Nhà Trắng không muốn nghị quyết này ảnh hưởng đến tiến trình đàm phán với Ankara về các vấn đề nhạy cảm. Tuy nhiên, kể từ sau chuyến thăm đến Mỹ, ông Erdogan nhiều lần khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ không có ý định bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Từ nhiều thập kỷ qua, các biện pháp nhằm công nhận vụ diệt chủng người Armenia đã bị đình trệ tại Quốc hội Mỹ, do những lo ngại điều này có thể làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ-Thổ cũng như việc Ankara “vận động hành lang” hết sức dữ dội.

Duy Tiến
.
.
.