Iran quyết không "mở lời" trước với Mỹ
- Iran phát thông điệp tới ông Biden trước "giờ G"
- Iran trừng phạt Tổng thống Mỹ Trump và Ngoại trưởng Pompeo
- Iran lại tập trận rầm rộ một ngày trước lễ nhậm chức của ông Biden
Iran muốn chính quyền Mỹ của tân Tổng thống Joe Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đơn phương, song khẳng định sẽ không trở thành bên khơi mào cho bất cứ cuộc đối thoại trực tiếp nào.
Ngoại trưởng các nước ký JCPOA năm 2015. Ảnh: ITN |
Tehran Times ngày 26/1 dẫn lời Đại sứ Iran tại Liên Hợp Quốc Majid Takht-Ravanchi cho biết, Iran và Mỹ chưa có cuộc đối thoại trực tiếp nào từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ thay tế ông Donald Trump cách đây đúng một tuần.
Theo lời quan chức Iran, nước này cũng không có kế hoạch khởi động trước các cuộc đối thoại với Mỹ, dù đang chờ đợi chính quyền của ông Biden dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. "Việc hành động thế nào sẽ phụ thuộc vào Mỹ", ông Takht-Ravanchi nói.
Trước đó, ngày 23/1, trong cuộc trả lời phỏng vấn đăng trên báo Etmad, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng kêu gọi chính quyền mới của Mỹ dỡ bỏ vô điều kiện các biện pháp trừng phạt do cựu Tổng thống Donald Trump áp đặt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Ông Zarif khẳng định Iran sẽ trở lại tuân thủ nghiêm thỏa thuận hạt nhân 2015 sau khi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và trở lại văn kiện.
Năm 2015, khi ông Joe Biden là Phó Tổng thống Mỹ, nhóm các cường quốc gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức (P5+1) đã ký với Iran thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) nhằm ngăn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận quốc tế.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama mô tả văn kiện là thỏa thuận lịch sử, nhưng tháng 5/2018, đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Để đáp trả lại động thái của Washington, kể từ tháng 5/2019, Iran đã dần từ bỏ các nghĩa vụ quan trọng trong thỏa thuận JCPOA. Cách đây vài tuần, Iran tuyên bố nối lại hoạt động làm giàu uranium ở độ tinh khiết 20%, khiến các bên lo ngại.