Iran dọa "khóa tay" thanh sát viên hạt nhân quốc tế

Thứ Ba, 16/02/2021, 17:18
Bộ Ngoại giao Iran cảnh báo chuyên gia từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) có thể bị tước quyền thanh sát toàn diện các cơ sở hạt nhân của Iran nếu Mỹ không dỡ bỏ cấm vận.

Bên trong một cơ sở hạt nhân của Iran. Ảnh: AP

"Nếu các bên khác không hoàn thành cam kết trước 21/2, Chính phủ Iran có nghĩa vụ đình chỉ việc tự nguyện thực thi nghị định thư bổ sung", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh ngày 15/2 cảnh báo, nhắc đến quyết định trước đó của Quốc hội Iran về việc buộc Chính phủ Iran phải chấm dứt quyền kiểm tra toàn diện đã được cấp cho IAEA vào hạn chót 21/2 nếu các bên còn lại của thỏa thuận hạt nhân 2015 không thực thi các cam kết của họ, Reuters đưa tin.

Theo nghị định thư bổ sung của thỏa thuận hạt nhân 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), IAEA được phép thanh sát bất cứ cơ sở hạt nhân nào của Iran để thu thập thông tin sau khi thông báo ngắn gọn cho giới chức Tehran.

Nếu không có tiến triển nào sau ngày 21/2, IAEA sẽ vẫn được thanh sát các cơ sở hạt nhân của Iran, nhưng với các quy định chặt chẽ hơn do Tehran đặt ra.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran cũng xác nhận quyết định mới nhất không đồng nghĩa với việc IAEA bị tước bỏ toàn diện quyền thanh sát các cơ sở hạt nhân Iran. "Tất cả những bước này đều có thể đảo ngược nếu bên kia thay đổi con đường và tôn trọng nghĩa vụ của mình", ông Khatibzadeh nói, ám chỉ Mỹ.

Trước đó, Iran đã cảnh báo sắp hết thời gian để chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden cứu vãn JCPOA. Tehran hối thúc châu Âu và Nhật Bản kêu gọi Mỹ dỡ bỏ cấm vận chống Iran và sớm quay lại thỏa thuận 2015, nhưng không có tiến triển.

JCPOA được ký lúc ông Biden là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama. Chính quyền Obama-Biden ca ngợi JCPOA là một chiến thắng ngoại giao lịch sử. Tuy nhiên, năm 2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Mỹ khỏi văn kiện rồi trừng phạt Iran để buộc nước này viết lại JCPOA.

Khi nhậm chức, ông Biden cam kết đưa Washington trở lại JCPOA. Tuy nhiên, Mỹ và Iran lại đang bất đồng về việc bên nào nhượng bộ trước: Iran đòi Mỹ dỡ bỏ trừng phạt để nước này trở lại tuân thủ JCPOA; còn Mỹ kiên quyết yêu cầu Tehran đảo ngược các bước đi vi phạm JCPOA, rồi mới đàm phán quay lại văn kiện.

Đáp gây sức ép cho Mỹ, Iran đã làm giàu uranium ở độ tinh khiết 20%, cao gấp nhiều lần giới hạn cho phép của JCPOA, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.

Trước thế bế tắc giữa Mỹ và Iran, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 4/2 tuyên bố ông sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải, điều phối hành động phải thực hiện của cả Washington và Tehran để cứu JCPOA. Tuy nhiên, sáng kiến của ông Macron chưa được hưởng ứng.

Thiện Nhân
.
.
.