Iran cảnh báo hậu quả nếu xuất khẩu dầu bị ép về số 0
Tổng thống Iran ngày 21-8 tuyên bố nếu xuất khẩu dầu của Iran bị cắt giảm về con số 0, các tuyến giao thông đường thủy quốc tế sẽ không còn an ninh như trước đây, đồng thời, cảnh báo Washington về việc tăng cường áp lực đối với Tehran.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh Reuters. |
Tuyên bố của Tổng thống Iran Hassan Rouhani được đưa ra khá giống với phát biểu của Ngoại trưởng nước này Mohammad Javad Zarif rằng Tehran có thể “hành động khó lường” trước những chính sách “khó đoán định” dưới thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
“Các cường quốc khác biết rằng trong trường hợp xuất khẩu dầu bị kìm nén hoàn toàn và xuất khẩu dầu của Iran về con số 0, các tuyến đường thủy quốc tế không thể có an ninh như trước”, ông Rouhani phát biếu trong cuộc gặp với Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei, theo trang web của ông Khamenei đăng tải.
“Vì vậy, áp lực đơn phương đối với Iran không thể là lợi thế của họ và khó có thể đảm bảo an ninh của họ trên khu vực và thế giới”, ông Rouhani nói.
Căng thẳng giữa Tehran và Washington đã gia tăng đáng kể từ năm ngoái khi chính quyền ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được giữa Iran và các cường quốc năm 2015 nhằm hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran, và tăng cường trừng phạt với Iran. Các quan chức Iran cho rằng các lệnh trừng phạt là “chiến tranh kinh tế”.
Trong một bài phát biểu tại Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ngoại trưởng Iran Zarif dường như đã lên tiếng đồng quan điểm với ông Rouhani.
“Hành động không thể đoán trước được từ cả hai bên sẽ dẫn đến hỗn loạn. Tổng thống Trump không thể cứ muốn các nước khác có hành động dễ dự đoán trong khi mình không hề dễ đoán biết. Sự khó dự đoán sẽ dẫn đến khó dự đoán từ cả hai bên và đó là sự hỗn loạn”, ông Zarif nói.
Giao dịch hàng hóa toàn cầu đã bị rung chuyển trong những tháng gần đây sau một loạt các cuộc tấn công nhằm vào các tàu buôn quốc tế, mà Mỹ đã đổ lỗi cho Iran, cũng như vụ bắt giữ một tàu chở dầu của Anh. Tehran đã bác bỏ các cáo buộc từ Mỹ.
Mỹ, nước có lực lượng hải quân phương Tây mạnh nhất ở vùng Vịnh, đã kêu gọi các đồng minh tham gia vào một hoạt động để bảo vệ vận tải biển ở eo biển Hormuz, một cửa ngõ quan trọng cho ngành công nghiệp dầu lửa thế giới.
Cho đến nay, Anh, Australia và Bahrain đã tham gia sứ mệnh an ninh do Mỹ khởi xướng để bảo vệ các tàu buôn đi qua các tuyến đường thủy chính ở Trung Đông.