Covid-19 diễn biến khó lường ở Iran

Thứ Tư, 26/02/2020, 11:04
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới gây ra (Covid-19) có những diễn biến khó lường ở Iran, trong khi tỷ lệ tử vong vì virus trong thông báo của nước này cao gấp 8 lần Trung Quốc.

Gần hai tháng sau khi khởi phát ở Vũ Hán, Trung Quốc, Covid-19 nay đã lan ra gần 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, gây ra một loạt cuộc khủng hoảng ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Italia và Iran với số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng.

Các nước có người nhiễm Covid-19 được xác nhận ở Trung Đông. Ảnh: ITN

Đáng chú ý, ở Iran, tỷ lệ tử vong vì virus trong báo cáo của nước này cao chóng mặt. Cách đây một tuần, Iran xác nhận hai ca nhiễm virus ở thành phố Qom, cả hai người sau đó thiệt mạng. Đến ngày 25/2, số ca nhiễm được xác định là 95, trong khi số người tử vong ít nhất là 16, tức gần 17%.

Iran cũng được xem là ổ dịch của Trung Đông, khi nhiều quốc gia báo cáo có người nhiễm bệnh tới từ nước này như Iraq, Oman, Lebanon, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Nguyên nhân bởi Iran là nơi có nhiều thánh đường tập trung các tín đồ Hồi giáo.

Tình hình dịch bệnh và tỷ lệ tử vong cao gấp trên dưới 8 lần Trung Quốc trong báo cáo y tế của Iran khiến nhiều người lo ngại nguy cơ virus có thể đã thay đổi theo hướng nguy hiểm hơn khi lan ra Trung Đông, song tiến sĩ John Torres, phóng viên y tế của NBC News, cho biết không có bằng chứng về sự thay đổi trong hồ sơ di truyền của virus.

"Virus không có thay đổi DNA đáng kể nào. Virus không bị đột biến ở nơi khác", Torres nói.

Giới chức Iran tiến hành nhiều biện pháp kiểm dịch tại các khu vực đông người. Ảnh: ITN

Các chuyên gia y tế nước ngoài cho rằng tỷ lệ tử vong vì dịch ở Iran trên thực tế không cao như báo cáo nêu mà bởi nước này chưa thống kê được đa số ca nhiễm. Nhiều người mắc virus nhưng có triệu chứng nhẹ không được chẩn đoán hoặc bị bỏ sót.

"Đây dường như là một vấn đề trong báo cáo báo cáo", Yanzhong Huang, giáo sư tại Đại học Seton Hall và là thành viên cao cấp về sức khỏe toàn cầu Mỹ đánh giá. "Báo cáo về các trường hợp nhiễm virus có thể đã bị tụt lại phía sau báo cáo về trường hợp thiệt mạng vì dịch".

Nhà nghiên cứu Asif Shuja tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thì cho rằng Iran chưa  có kinh nghiệm ứng phó những dịch bệnh quy mô như Covid-19. Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) xảy ra trước đây không tác động lớn đến Tehran.

"Covid-19 có lẽ là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với giới chức Iran, đặc biệt là do hệ thống chăm sóc sức khỏe đi xuống vì lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt", bà Asif Shuja nói.

Tuy nhiên, không đồng tình với quan điểm này, tiến sĩ William Schaffner tại Đại học Vanderbilt khẳng định Iran có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng tiên tiến hơn nhiều nước ở khu vực. Ông Schaffner cho hay giới chức Iran cần tới từng khu dân cư, gõ cửa từng nhà thì mới thống kê được số người mắc bệnh.

Biên giới giữa Iran và nhiều nước bị đóng cửa vì tình hình dịch bệnh. Ảnh: ITN

"Tôi không biết liệu họ có khả năng đó không nhưng nhiều nước không có bởi họ không có kinh nghiệm trong ứng phó với các sự cố tương tự. Đây là điều rất mới", chuyên gia Schaffner nêu quan điểm.

Người đứng đầu Đại học Y khoa Qom, Mohammad Reza Ghadir, trước đó cũng tiết lộ giới chức địa phương của Iran không được tự mình công bố số người mắc, bởi các xét nghiệm về Covid-19 được yêu cầu tiến hành ở thủ đô Tehran nên số liệu sẽ chỉ duy nhất được phát đi từ Tehran.

Qom được xem là tâm dịch ở Iran. Hãng tin ILNA của Iran từng nói rằng 50 người đã chết vì Covid-19 ở Qom, 250 người khác bị cách ly, song Bộ Y tế Iran bác bỏ thông tin này. 

Dẫu vậy, các quan chức y tế Iran cũng thừa nhận có nhiều người mắc virus nhưng không hề hay biết và không tới bệnh viện. Ở thời điểm hiện tại, người mắc Covid-19 có thể đã xuất hiện ở nhiều thành phố của Iran.


Thiện Nhân
.
.
.