Giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất cho vấn đề Syria

Thứ Hai, 10/04/2017, 09:27
Phần lớn cộng đồng quốc tế trong thời gian qua đều có chung quan điểm rằng, giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất cho vấn đề Syria. Tức là cuộc khủng hoảng tại Syria phải chấm dứt thông qua đối thoại và tham vấn.

Tuy nhiên, Mỹ dường như lại không làm theo cách này khi đã phóng tới ít nhất 50 quả tên lửa vào một căn cứ không quân Syria, với lý do nhằm ngăn ngừa việc sử dụng vũ khí hóa học tại quốc gia Trung Đông này.

Ngoại trưởng Đức Zigmar Gabriel hôm 9-4 tuyên bố, chỉ có giải pháp chính trị với sự tham gia của Nga, Mỹ và các nước chủ chốt trong khu vực mới có thể giải quyết cuộc xung đột tại Syria. 

Ông Gabriel nhấn mạnh, điều quan trọng hiện nay là cần phải vượt qua tình trạng chia rẽ trong Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và tiếp tục nỗ lực tiến tới hòa bình cho Syria dưới sự bảo trợ của LHQ. Quan chức ngoại giao Đức kêu gọi tất cả các bên tỉnh táo và kiềm chế, không để căng thẳng leo thang. 

Chia sẻ quan điểm này khi khẳng định giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất cho Syria, Đại diện thường trực của Trung Quốc tại LHQ Lưu Kết Nhất cho rằng, giải pháp quân sự không thể giải quyết vấn đề mà thay vào đó sẽ chỉ khiến người dân Syria phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn, cùng như làm tình hình Syria và khu vực trở nên phức tạp và hỗn loạn hơn. 

Tên lửa Tomahawk được phóng đi từ chiến hạm của Mỹ hôm 6-4.

Theo ông Lưu Kết Nhất, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là tất cả các bên cùng làm việc để ngăn chặn tình hình tại Syria trở nên tồi tệ hơn. Từ đó, ông kêu gọi tất cả các bên liên quan kiên trì theo đuổi những nỗ lực ngoại giao gắn với đối thoại, tham vấn và hỗ trợ vai trò hòa giải của LHQ trong vấn đề Syria, đặc biệt là nỗ lực của Đặc phái viên Staffan de Mistura hiện nay. 

Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định không cần đến một giải pháp quân sự tại Syria. Thay vào đó, một giải pháp chính trị đáng tin cậy sẽ góp phần đảm bảo hòa bình và ổn định ở quốc gia Trung Đông này. EU đồng thời bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự gia tăng của xung đột vũ trang sau khi Mỹ phóng tên lửa vào Syria.

Trong thời gian gần đây, Mỹ liên tục có những tuyên bố khẳng định không còn coi việc lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là trọng tâm trong chính sách tại quốc gia đang bị chiến tranh tàn phá này. 

Gần đây nhất, phát biểu từ Ankara trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố Washington “từ bỏ việc lật đổ ông Assad” và “số phận ông ấy phải để người dân Syria quyết định”. 

Trước đó không lâu, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley cũng khẳng định “ưu tiên của chúng tôi không còn là “cắm rễ” ở đó và “nhăm nhăm” tìm cách lật đổ ông Assad” và rằng: “Chúng tôi không nhất thiết phải tập trung vào Assad như chính quyền tiền nhiệm đã làm”. 

Tuy nhiên, mới hôm 8-4 vừa qua, bà Haley lại có tuyên bố “hoàn toàn trái ngược” với những gì trước đó khi cho rằng, sự thay đổi chế độ ở Syria là một trong những ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump để giải quyết cuộc nội chiến hơn 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này. 

Theo Đại sứ Mỹ tại LHQ, Washington đang ưu tiên cho 3 mục tiêu chính là: đánh bại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, loại bỏ ảnh hưởng của Iran với vấn đề Syria và lật đổ Tổng thống Assad. Bà Haley bày tỏ: “Chúng tôi không thấy hòa bình cho Syria nếu ông Assad còn ở đó”. 

Ông Tillerson cũng tiết lộ với tờ Financial Times (Thời báo Tài chính) rằng, chính quyền của Tổng thống Trump đã bắt đầu những nỗ lực nhằm lật đổ ông Assad khỏi vị trí tổng thống.

Và ngay chính ông Trump, chỉ trong vòng 1 năm (2013 - 2014) trước khi là Tổng thống thứ 45 của Mỹ, thông qua mạng xã hội Twitter, từng 18 lần nói rằng, Mỹ không nên ném bom Syria. Tuy nhiên, đêm 6-4 ông đã bất ngờ làm ngược lại. 

Giải thích cho hành động này, vị tân chủ nhân Nhà Trắng nói rằng, lợi ích an ninh quốc gia thiết yếu của Mỹ đó là ngăn chặn và không để vũ khí hóa học chết người được sử dụng tràn lan. Thực ra, ông Trump đã làm đúng như những gì mình từng nói. 

Ngày 28-8-2013, ông Trump viết: “Tại sao chúng ta cứ nói mãi về việc mình sắp tấn công Syria? Sao chúng ta không im lặng đi, và nếu có tấn công thì tấn công một cách bất ngờ đi?”. 

Rồi ngay sau đó, ngày 29-8-2013, ông lại viết rằng: “Không, đồ ngốc, tôi sẽ không can thiệp vào Syria, nhưng nếu có thì tôi cũng sẽ làm chuyện đó một cách thật bất ngờ và không nói toạc hết cho truyền thông như một lũ ngốc”.

Theo giới phân tích, ông Trump ra quyết định trên để gỡ gạc cho thất bại trong nước với dự luật chăm sóc sức khỏe mới nhằm thay thế chương trình Obamacare của người tiền nhiệm. Bên cạnh đó, vị tân Tổng thống Mỹ muốn thể hiện với công chúng rằng, ông là nhân vật “chống Obama” và là người đàn ông của hành động.

Khổng Hà
.
.
.