“Gấu Nga” đang thức giấc
- Tổng thống Mỹ lại chúc mừng Tổng thống Nga Putin
- Ông Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga
- Giọt nước mắt vì hạnh phúc của Putin khi thắng cử Tổng thống Nga
Vậy là một lần nữa, tại chính điện Kremlin, V. Putin tuyên bố nhậm chức Tổng thống Liên bang Nga. Trong vòng 18 năm cầm quyền của mình với 4 nhiệm kỳ, Tổng thống V. Putin đã và đang từng bước chăm lo tốt cho đời sống của người dân, đưa nước Nga trở lại vị thế của một siêu cường quốc và phần nào đang thực hiện tốt lời di huấn “hãy chăm lo cho nước Nga” của cố Tổng thống B. Yeltsin trong buổi nhậm chức Tổng thống liên bang của Putin vào năm 2000.
Đã có những nhận định rằng “gấu Nga” sẽ bước vào thời kỳ ngủ đông kéo dài sau khi Liên Xô sụp đổ và sẽ khó mà thức tỉnh trở lại vị thế một cường quốc bởi các lệnh cấm vận kinh tế từ phương Tây xung quanh vấn đề Ukraina và gần đây thì EU và Anh đã tăng cường cấm vận kinh tế, 28 quốc gia Phương Tây đã trục xuất hơn 150 nhà ngoại giao của Nga liên quan đến vụ điệp viên hai mang Skripal bị đầu độc ở Anh.
Tổng thống Vladimir Putin đề ra mục tiêu đưa nước Nga trở thành một trong 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới. |
Nhưng những nhận định đó và các đòn “trừng phạt” của phương Tây lần lượt bị Tổng thống V. Putin bẻ gẫy hiệu quả, từng bước đưa Liên bang Nga trở lại vị thế của một siêu cường thế giới.
Nền kinh tế Liên bang Nga từng bước phục hưng
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Liên bang Nga kiệt quệ, nền kinh tế rơi vào cảnh hỗn loạn, thu nhập và tuổi thọ bình quân của người dân thậm chí còn thấp hơn cả Bangladet - một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhưng giờ đây, sau 18 năm cầm quyền, dưới bàn tay chèo lái của V. Putin, nền kinh tế Nga dần dần ổn định và trở lại đường ray phát triển của một cường quốc thế giới.
Nếu như trước thời điểm Putin bầu tổng thống năm 2000, GDP bình quân đầu người quy đổi theo sức mua tương đương (PPP) ở Nga là 9.889 USD thì năm 2017 GDP bình quân đầu người đạt 27.900USD, lương trung bình của người người lao động tăng 11 lần từ 61USD lên 650USD, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 13% xuống còn 5.2%.
Năm 1999, GDP chỉ đạt 195 tỉ USD, thì đến năm 2013 đạt 2113 tỉ USD, năm 2017 hơn 3100 tỉ USD. Năm 2017 Liên bang Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 8 thế giới. Theo đà tăng trưởng này, Công ty Kiểm toán PwC dự báo vào năm 2050, Nga sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Phát triển kinh tế đưa nước Nga trở thành một siêu cường kinh tế vẫn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền Điện Kremlin trong những thập niên tới như Tổng thống V. Putin đã tuyên bố hôm 6-5:
“Về tổng thể, nhiệm vụ chủ chốt của chúng ta trong những năm tới là tăng đáng kể thu nhập thực tế cho người dân. Hiện nước Nga đang có nền tảng tốt cho mục tiêu này. Nền kinh tế đã phát triển ổn định hơn và xử lý được việc giá dầu giảm mạnh, đối phó tốt với áp lực từ các lệnh cấm vận và thay đổi tình hình chính trị toàn cầu” - theo Sputnik đưa tin.
Quyền lực thống nhất, chính trị ổn định
Ổn định chính trị để phát triển là một mục đích lâu dài được người đứng đầu điện Kremlin quan tâm hàng đầu. Ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên, V. Putin đã thực hiện nhiều cuộc cải cách chính trị quan trọng như cải cách tinh gọn bộ máy nhà nước, tập trung quyền lực nhà nước thống nhất từ trung ương tới địa phương thông qua việc chia lãnh thổ thành 7 vùng đặc biệt dưới kiềm kiểm soát trực tiếp của Tổng thổng.
Cải cách chính phủ và bộ máy nhà nước, đặc biệt ông đã “tiêu diệt” các trùm đầu sỏ tài chính “chi phối” chính trị nhằm trục lợi về kinh tế, hạn chế tham nhũng... thực hiện nhiều cải cách thuế, tiền lương, giải quyết việc làm nhằm ổn định xã hội dựa trên sự đồng thuận xã hội và những giá trị truyền thống của Liên bang Nga.
Đặc biệt là trong những hoàn cảnh khó khăn trước sự cấm vận của phương Tây, Putin đã biết khơi dậy lòng tự tôn dân tộc của người Nga, xây dựng cho mình được một hệ tư tưởng thống nhất được nhân dân ủng hộ cao - tư tưởng “nước Nga mới” hay “tư tưởng Đại Nga” lấy chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống của người Nga làm nền tảng hướng tới mục tiêu tất cả vì hạnh phúc, bình yên, an lành của người dân và đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia Liên bang Nga.
Hiện đại hóa quân sự - khôi phục vị thế cường quốc
Sau khi lên nắm chính quyền, Tổng thống V. Putin tiến hành hiện đại hóa quân sự nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia Liên bang Nga và tăng cường vị trí vai trò của mình trên trường quốc tế. Kể từ năm 2008, V. Putin tăng mạnh chi tiêu quốc phòng lên tới 700 tỉ USD tới năm 2020. Hiện nay, quân đội Nga đã lột xác hoàn toàn và sở hữu những “sức mạnh mới” giúp Moskva gia tăng ảnh hưởng và tiếng nói trong các vấn đề quốc tế.
Ngày 1-3-2018, trong bản thông điệp liên bang hằng năm, Tổng thống Putin đã công bố nhiều dự án vũ khí chiến lược hiện đại đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm như tên lửa đạn đạo xuyên lục đia RS-Sarmart tốc độ lên tới 24.900km/h, chứa 10 đầu đạn hạt nhân tương đương với 50 triệu tấn thuốc nổ TNT, tên lửa diệt hạm siêu thanh Kinzhal vận tốc trên 12.000km/h, chứa 10 đầu đạn hạt nhân, hay phương tiện lướt song siêu vượt âm Avangard tốc độ khoảng 25.000km/h, ngoài ra nhiều tàu ngầm không người lái mang đầu đạn hạt nhân…
Đây được đánh giá là những siêu vũ khí, có khả năng răn đe cao và đủ sức đánh bại mọi hệ thống phòng thủ hiện có trên thế giới.
Mở rộng ảnh hưởng địa chính trị trên trường quốc tế
Liên Xô sụp đổ, nước Nga lâm vào vị trí “yếu thế” trên trường quốc tế. Sau khi nhậm chức người đứng đầu điện Kremlin, Tổng thống V. Putin không ngừng nỗ lực thực tế nâng cao vị thế chính trị của Liên bang Nga.
Trong suốt 18 năm cầm quyền của mình, Putin không chỉ mang về “những vùng đất mới” cho Nga, mà còn khiến thế giới phải lưu ý đến lợi ích của Nga và chấp nhận những điều họ đã đạt được.
Trong bối cảnh Liên bang Nga luôn bị phương Tây cấm vận về mặt kinh tế, chính quyền điện Kremlin vẫn mạnh mẽ đối phó với những âm mưu bành trướng “đồng minh” của Mỹ về phía lãnh thổ Liên bang Nga.
Theo tờ The Guardian, tính đến tháng 10-2014 đã có hơn 100 cuộc đối đầu máy bay giữa thành viên NATO và Nga tại vùng biên giới, cao gấp 3 lần so với năm 2013. Năm 2014, Putin đã làm cho Mỹ và các nước phương Tây “nóng mặt” và “choáng váng” khi quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Liên bang Nga.
Gần đây, Tổng tống Vladimir Putin muốn vẽ lại bản đồ thế giới với mong muốn sự hiện diện của nước Nga được thể hiện một cách rõ ràng hơn. Putin cho rằng cần phải khôi phục tên tiếng Nga là những hòn đảo gần Nam Cực, một nhà thám hiểm Nga đến khu vực này vào năm 1820 đã đặt tên cho hòn đảo Livingstone là Smolensk, trong khi hòn đảo Smith gần đó, ban đầu có tên Nga là Borodino.
Với tham vọng vẽ lại “bản đồ mới” cho thấy Nga đang dần khẳng định và xác lập chủ quyền mình ở vùng Bắc Cực, nơi tập trung khoảng 13% trữ lượng dầu mỏ và 30% lượng khí đốt của thế giới (tương đương với 1.670 nghìn tỷ m3) chưa được khai thác. Đó là chưa kể lượng dầu và khí gas khác như hydrocacbon trong đá phiến dầu hoặc khí metan ở vùng thềm lục địa.
Dưới bàn tay chèo lái mạnh mẽ, quyết đoán, Tổng thống Putin từng bước dẫn dắt con thuyền Liên Bang Nga vượt qua “giông tố” tiến về phía trước. Nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển, quân sự hùng mạnh, xã hội đồng thuận là những minh chứng cho sự “thức giấc” của “chú gấu” Liên bang Nga.
Đã đến lúc thế giới, đặc biệt là Mỹ và các đồng minh phương Tây phải lắng nghe nước Nga như lời Tổng thống V. Putin đã nói: “Chúng tôi đã cảnh báo nhưng không ai muốn đối thoại nghiêm túc hay muốn lắng nghe. Và giờ đây họ phải lắng nghe chúng tôi nói”.