EU dốc hàng nghìn tỷ euro khôi phục kinh tế sau đại dịch

Thứ Sáu, 24/04/2020, 20:25
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí lập ra một quỹ có thể kêu gọi ít nhất một nghìn tỷ euro (1,1 nghìn tỷ USD) để gây dựng lại nền kinh tế khu vực bị tàn phá bởi đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. 

“Quỹ này sẽ đủ lớn, nhắm vào các lĩnh vực và khu vực địa lý của châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất và được dành riêng để đối phó với cuộc khủng hoảng chưa từng có này”, các nhà lãnh đạo của 27 quốc gia EU cho biết trong một cuộc họp trực tuyến ngày 23/4.

Người đứng đầu chính phủ EU yêu cầu các quan chức tại Ủy ban châu Âu đưa ra các đề xuất chi tiết khẩn cấp, bao gồm việc quỹ phục hồi sẽ liên quan đến ngân sách của khối trong giai đoạn 2021-2027 như thế nào.

EU đang lên kế hoạch mở rộng ngân sách từ khoảng 1,2% GDP lên 2% GDP và sau đó sử dụng các quỹ bổ sung đó như một sự đảm bảo để vay với lãi suất thấp từ thị trường tài chính.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết vấn đề này phải được xem xét kỹ lưỡng.

Các nhà lãnh đạo EU cũng đã ký kết một gói biện pháp ứng cứu khẩn cấp trị giá ít nhất 500 tỷ euro (538 tỷ USD) được các bộ trưởng tài chính đưa ra hồi đầu tháng này. Gói ứng cứu này bao gồm 100 tỷ euro trợ cấp tiền lương nhằm ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt, cũng như hàng trăm tỷ euro cho các doanh nghiệp vay và tín dụng cho các chính phủ EU.

“Có nhiều lý do để lạc quan rằng, ngay cả khi chúng ta không nhận được nhiều sự phản hồi như chúng ta muốn, thì biện pháp tài chính của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng này vẫn có thể có quy mô như mong đợi”, chiến lược gia Kite General cho biết.

Phản ứng của EU, cùng với các nỗ lực kích thích kinh tế trị giá vài trăm tỷ euro đã được thỏa thuận ở cấp quốc gia, là một nỗ lực to lớn để ngăn chặn suy thoái kinh tế sâu sắc của khu vực biến thành suy thoái theo phong cách những năm 1930.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự kiến ​​GDP của EU sẽ giảm 7% trong năm nay và dữ liệu gần đây cho thấy hoạt động kinh tế trong tháng 3 và tháng 4 có thể đã sụp đổ từ 20% đến 30%.

Phát biểu sau hội nghị trực tuyến này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng các quốc gia EU đã đồng thuận về sự cần thiết phải có “phản ứng mạnh mẽ, phối hợp (trị giá) khoảng 5 đến 10 (phần trăm) GDP”.

Dù vậy, vẫn còn sự khác biệt về cách thức hoạt động của quỹ, đặc biệt là liệu có nên cung cấp các khoản vay hoặc trợ cấp cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất như Italia và Tây Ban Nha hay không. Các khoản tài trợ, hoặc chuyển tiền trực tiếp, sẽ đồng nghĩa với một mức độ chia sẻ nợ mà các quốc gia như Hà Lan, Áo và Đức đã phản đối từ lâu.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU đã cố gắng thể hiện sự đoàn kết.

“Thị trường chung ngày nay mang lại lợi ích cho một số quốc gia hoặc khu vực có năng suất cao nhất ở châu Âu vì họ sản xuất hàng hóa mà họ có thể bán ở các khu vực khác. Nếu chúng ta từ bỏ các khu vực này, nếu chúng ta từ bỏ một phần của châu Âu, tất cả châu Âu sẽ suy giảm”, ông Macron nói.

Thủ tướng Italia, Giuseppe Conte, người từng chỉ trích phản ứng của EU đối với đại dịch, bày tỏ sự hài lòng với kết quả của hội nghị thượng đỉnh trực tuyến này.

Một tuần trước, ông Macron cảnh báo rằng EU đang đối mặt với “khoảnh khắc của sự thật” và việc thiếu sự đoàn kết tài chính giữa các quốc gia thành viên có thể gây ra mối đe dọa hiện hữu cho khối.

Các nước châu Âu hiện là những ổ dịch lớn. Tây Ban Nha, Italia, Pháp và Đức xếp liền nhau trong top 5 nước dẫn đầu về số ca mắc COVID-19 chỉ sau Mỹ. Tây Ban Nha có hơn 219.000 ca nhiễm và khoảng 22.500 ca tử vong. Ba nước còn lại cũng đã ghi nhận mỗi nước hơn 150.000 ca nhiễm. 

Duy Tiến
.
.
.