Muôn kiểu nới lỏng phong tỏa tại châu Âu

Thứ Hai, 20/04/2020, 16:24
Không phải cứ sinh sống trong cùng một mái nhà chung thì sẽ tuân thủ những nguyên tắc giống nhau. Các quốc gia châu Âu dường như đang "chia nhóm" trong việc gia hạn hay nới lỏng phong tỏa vì COVID-19.


Tính đến hết ngày 19/4, số ca tử vong do COVID-19 tại châu Âu đã tăng lên mức 100.000 ca, theo thống kê của Đại học Johns Hopskins, nhưng tỷ lệ lây nhiễm đang có dấu hiệu chậm lại.

Đà giảm trong tốc độ lây của virus SARS-CoV-2, cùng những thiệt hại kinh tế trong nhiều tuần phong tỏa, đã gây áp lực lên chính phủ các nước, buộc một số quốc gia phải đưa hoạt động kinh tế và xã hội từng bước hoạt động trở lại.

Lệnh phong tỏa đang làm nền kinh tế châu Âu lao đao. Ảnh: WSJ

Nới lỏng phong tỏa theo kế hoạch với cột mốc 20/4

Một số quốc gia như Đức, Cộng hòa Czech, Na Uy đã rục rịch dỡ bỏ hạn chế đi lại vào tuần này. Tại Czech, kế hoạch 5 giai đoạn bắt đầu được triển khai từ ngày 20/4 với việc mở cửa trở lại các chợ ngoài trời. 

Công dân Czech cũng có thể đi ra nước ngoài với điều kiện phải trải qua 2 tuần cách ly sau khi về nước. Kế hoạch 5 giai đoạn của Czech dự kiến sẽ kết thúc vào đầu tháng 6 tới.

Tại Na Uy, trường mẫu giáo và một số cơ sở y tế đặc biệt được mở cửa trở lại từ 20/4. Trong khi đó, các trường trung học, đại học, tiệm làm đẹp, làm tóc sẽ được mở cửa từ 27/4.

Tại Đức, các cơ sở kinh doanh thương mại có diện tích dưới 800 m2 sẽ được mở cửa trở lại trong ngày 20/4 cùng với các salon ô tô, tiệm sách. Phòng tập gym, nhà hàng, quầy bar và cửa hiệu lớn vẫn phải đóng cửa. Người dân được yêu cầu đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. 

Còn tại Ba Lan, các công viên mà một số khu rừng sẽ được mở lại trong ngày 20/4. Albania thì cho phép ngành công nghiệp khai thác và dầu mỏ mở cửa từ 20/4 cùng một số loại hình doanh nghiệp khác.

Người dân châu Âu được yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt quy định giãn cách xã hội. Ảnh: Reuters

Nới lỏng một vài hạn chế 

Tại Italia, ổ dịch đầu tiên của châu Âu, một số tiệm sách, tiệm giặt là, tiệm bán đồ văn phòng phẩm hay cửa hàng quần áo trẻ em sẽ được mở trở lại ở một số khu vực.

Công nhân làm việc trong các lĩnh vực như khai thác tự nhiên hay công nghệ thông tin cũng được trở lại nhà xưởng, văn phòng. Nhưng lệnh phong tỏa toàn quốc vẫn tiếp tục duy trì đến 4/5.

Tại Tây Ban Nha, một số nhà máy và công trình xây dựng đã mở cửa trở lại đón công nhân quay lại đi làm, trong khi hầu hết cửa hàng và dịch vụ vẫn đóng cửa.

Lệnh phong tỏa được tuyên bố sẽ kéo dài đến ngày 3/5, đồng nghĩa với việc người lao động buộc phải tiếp tục làm việc từ nhà, trong bối cảnh dịch bệnh đang có dấu hiệu chậm lại tại đây.

Áo là một trong số những quốc gia khá tích cực trong việc mở cửa lại đất nước, với việc đưa các cửa hàng nhỏ, tiệm bán hoa và công viên vào hoạt động với các yêu cầu kiểm dịch và giãn cách nghiêm ngặt.

Mặc dù vậy, cửa hàng lớn, tiệm làm tóc và một số cơ sở kinh doanh sẽ không được hoạt động trở lại cho đến 1/5. Các quán ăn sẽ phải chờ đến giữa tháng 5 mới có thể đón khách. 

Đan Mạch lại cho phép trung tâm giữ trẻ và trường tiểu học mở cửa trở lại mặc dù các cửa hàng và quán cafe vẫn đóng cửa. Tụ tập tại cửa tiệm dưới 10 người bị cấm cho đến 10/5, tụ tập quy mô lớn bị cấm cho tới tháng 8.

Nhiều quốc gia lo ngại việc nới lỏng hạn chế sẽ khiến dịch bệnh bùng phát trở lại. Ảnh: AP

Tuyệt đối không hề nới lỏng

Pháp, Anh, Ireland, Hy Lạp, Hà Lan hay Bồ Đào Nha là những quốc gia chưa hề mảy may ý định đưa ra một sự nới lỏng nào trong các quy định hạn chế đi lại hay giãn cách xã hội, ít nhất trong tuần này, theo The Guardian.

Thủ tướng Pháp Edouard Philippe hôm 19/4 cho biết, mặc dù đã có những dấu hiệu khả quan trong việc đối phó với COVID-19, nhưng nước Pháp vẫn cần phải cảnh giác. Cuộc sống của người Pháp, kể cả nếu như phong tỏa được dỡ bỏ ngày 11/5, cũng không thể giống như trước được nữa.

Trong khi đó, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Michael Gove cho biết vào ngày 19/4 rằng: "Anh chưa cân nhắc đến việc nới lỏng các biện pháp phong tỏa sau gần 4 tuần áp dụng nhằm kiểm soát mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2".

“Chúng tôi không muốn thực hiện việc nới lỏng các hạn chế quá sớm, bởi vì điều quan trọng nhất là đảm bảo Cơ quan Y tế Quốc gia không tiếp tục rơi vào tình trạng quá tải và bảo vệ sức khỏe cộng đồng”, ông Gove nhấn mạnh.

Chính quyền Hy Lạp trong một tuyên bố cũng từng cho biết, các biện pháp phong tỏa sẽ được dỡ bỏ vào đầu tháng 5 và kết thúc vào trung tuần tháng 6 nếu Hy Lạp duy trì được diễn biến tích cực trong việc phòng chống dịch. 

An Nhiên (Theo TG)
.
.
.