Đàm phán hiến pháp đổ vỡ, Syria khó thoát tình trạng bế tắc
- Thổ Nhĩ Kỳ hứa với Nga không mở lại chiến dịch tấn công Syria
- Chính phủ Mỹ muốn gì khi quyết tâm giữ các mỏ dầu ở Syria?
- Thổ Nhĩ Kỳ đổi giọng về người Kurd sau thoả thuận với Nga
Quang cảnh cuộc đàm phán về Syria ở Geneva. Ảnh: ITN |
"Một cuộc họp chi tiết về hiến pháp không thể tiến hành vì chưa đạt được đồng thuận về chương trình nghị sự. Trước mắt, hai đồng chủ tịch phải tìm được tiếng nói chung. Chúng tôi cố tìm kiếm sự thoả hiệp nhưng chưa thành", Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen ngày 29-11 phát biểu sau cuộc tiếp xúc ở Geneva, theo ANA.
Đây là cuộc tiếp xúc thứ hai của Uỷ ban Hiến pháp Syria, vốn được thiết lập dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc với kì vọng giúp Syria có giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng và sau đó sẽ là một cuộc bầu cử.
Hai đồng chủ tịch của cuộc họp, gồm một người thuộc phe chính phủ và một người thuộc phe đối lập, đã có những yêu cầu khác nhau về vấn đề cần đàm phán.
Theo thông báo của phe đối lập, Chính phủ Syria không tập trung vào viết lại hiến pháp mà muốn thảo luận về chống khủng bố, bãi bỏ trừng phạt, lên án sự xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây được cho là yêu cầu khó vì nhiều nhóm phiến quân Syria nhận sự hỗ trợ của Ankara.
Từ phía Damascus, Chính phủ Syria trước đó nhấn mạnh họ rời các cuộc thảo luận vì không có được những câu trả lời đối với "đề xuất cụ thể hóa kế hoạch làm việc".
Do hai bên không tiến tới đồng thuận về chương trình nghị sự, nhóm 45 thành viên của cơ quan soạn thảo hiến pháp, gồm đại diện của chính phủ, phe đối lập và tổ chức xã hội ở Syria, sẽ không tiến hành nhóm họp trong thời gian tới.
Giới quan sát cho rằng, nếu phe đối lập không chịu nhượng bộ, khả năng tìm được giải pháp phù hợp với tương lai chính trị của các nhóm này sẽ ít dần. Trên thực địa, quân đội Syria hiện giành quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ và tăng cường năng lực quân sự nhờ sự trợ giúp của Nga và Iran.