Cuộc tranh luận dữ dội nhất trong lịch sử nước Pháp
- Bầu cử Tổng thống Pháp: Emmanuel Macron và Marine Le Pen vào vòng 2
- Vòng đầu bầu Tổng thống Pháp: 30% cử tri bỏ phiếu trắng
- Các ứng viên Tổng thống Pháp tranh cãi về "chống khủng bố"
Có tờ báo thậm chí nhận xét rằng, “cuộc tranh luận này dữ dội hơn bất cứ cuộc tranh luận nào trong lịch sử nước Pháp”.
Trong hơn hai giờ tranh luận, hai ứng cử viên Macron và Le Pen đã bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau về tất cả các vấn đề quan trọng của đất nước, từ đối nội như kinh tế, chống khủng bố... đến đối ngoại như điều chỉnh quan hệ với châu Âu, Mỹ và Nga.
Bà Le Pen tự nhận mình là ứng cử viên của người dân, của nước Pháp mà mọi người yêu mến, bà gọi ông Macron là một chủ ngân hàng “máu lạnh” sẽ chỉ làm tồi tệ thêm tình hình thất nghiệp tại Pháp. Trong khi đó, ứng cử viên Macron cho rằng, bà Le Pen giả dối và trong nhiều năm qua chỉ hưởng lợi dựa trên sự giận dữ của người dân và đẩy mạnh tinh thần chủ bại.
Nếu như bà Le Pen tỏ thái độ khiêu khích và khinh thường ra mặt đối với đối thủ - người mà bà gọi là cậu bé “Hollande” (Francois Hollande), thì ông Macron bày tỏ sự thất vọng và buồn trước “màn kịch” mà bà Le Pen diễn trên truyền hình, khẳng định đối thủ của mình “ăn nói lung tung” và cố tình gieo rắc sự sợ hãi để thu hút cử tri. Xuyên suốt cuộc tranh luận, ứng cử viên Macron thể hiện quan điểm vững vàng về một nước Pháp mạnh, trong lòng một châu Âu bảo vệ các quốc gia thành viên.
Truyền thông quốc tế cho rằng, cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Pháp gồm rất nhiều lời cáo buộc và ít sự tiết chế. |
Theo ông Macron, nước Pháp đang bị khủng hoảng nặng nề, cần phải có những cải cách quan trọng, nhưng không phải chìm trong sự sợ hãi mà bà Le Pen gieo rắc. Đáp lại, bà Le Pen liên tục mỉa mai và cười cợt đối thủ, chỉ trích ông Macron ủng hộ một nước Pháp “phục tùng” trước nước Đức, trước những người theo chủ nghĩa cộng đồng, trước các ngân hàng…
Bình luận về cuộc tranh luận này, kênh truyền hình CNN của Mỹ cho rằng, đây là cơ hội cuối cùng để ông Macron và bà Le Pen thuyết phục các cử tri Pháp rằng, họ có đủ điều kiện dẫn dắt Pháp đương đầu với những lo ngại về vấn đề người nhập cư, hội nhập và một nền kinh tế ốm yếu. Tuy nhiên, cuộc tranh luận này gồm rất nhiều lời cáo buộc và ít sự tiết chế.
Đồng quan điểm, tờ The Guardian của Anh cũng cho rằng, cuộc tranh luận này thiên về những chỉ trích và xúc phạm cá nhân nhiều hơn là chi tiết về chính sách của hai ứng cử viên Tổng thống Pháp. Theo The Guardian, cuộc tranh luận giữa ông Macron và bà Le Pen dữ dội hơn bất cứ cuộc tranh luận nào trong lịch sử nước Pháp.
Trong khi đó, tờ New York Times nhận định, cuộc tranh luận này giống như một chương trình truyền hình theo phong cách Mỹ với đầy sự giận dữ, hơn là một cuộc tranh luận có lý lẽ về những vấn đề mà nước Pháp phải đối mặt. Hai ứng cử viên thường xuyên cắt ngang lời đối phương, chỉ trích, công kích lẫn nhau và có những hành động khiến người điều khiển cuộc tranh luận bối rối.
Tuy nhiên, cuộc tranh luận cũng là một minh chứng rõ nét về hai viễn cảnh hoàn toàn khác nhau của nước Pháp mà các cử tri sẽ phải lựa chọn trong vòng cuối của cuộc bầu cử. Tờ New York Times cũng khẳng định cả hai người đều không che giấu sự khinh thường dành cho đối phương, và điều này bắt nguồn từ sự bất đồng của họ trong tất cả mọi vấn đề, từ hội nhập châu Âu, khủng bố đến nền kinh tế trì trệ của Pháp.
Cuộc tranh luận đã thu hút 20 triệu người xem trong tổng số 47 triệu cử tri Pháp. Ngay sau cuộc tranh luận, hãng Elabe đã tiến hành thăm dò trên kênh truyền hình BFM TV và kết quả cho thấy, dù bà Le Pen liên tục đưa ra những lời công kích, những phát ngôn hùng hồn về chính sách kinh tế, an ninh... của đối thủ, nhưng 63% người được hỏi nhận định phần trình bày của ông Macron thuyết phục hơn bà Le Pen.
Kết quả thăm dò dư luận trước đó cũng cho thấy ông Macron dẫn trước bà Le Pen với tỷ lệ 59% số cử tri ủng hộ. Tuy nhiên, ông Macron cũng lo ngại kết quả cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng do tỷ lệ cử tri đi bầu thấp và khả năng nhiều cử tri bỏ phiếu trắng.
Theo dự đoán, tỷ lệ cử tri không đi bỏ phiếu sẽ ở mức rất cao, có thể lên tới 28%, chưa kể tới khoảng 18% trong số cử tri chắc chắn đi bầu còn chưa quyết định bỏ phiếu cho ai. Nhưng dù kết quả thế nào, nước Pháp chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi khi cử tri lựa chọn một ứng cử viên chủ trương “một nước Pháp vững mạnh trong Liên minh châu Âu bền vững và thịnh vượng” hoặc một người chống tiến trình toàn cầu hóa, chống sự lệ thuộc của Pháp vào châu Âu.