Châu Âu đã "chậm chân" trong cuộc chiến chống COVID-19?

Thứ Ba, 17/03/2020, 16:25
Trong bảng thống kê do Worldometers cập nhật ngày 17/3, có tới 6 trong tổng số 10 quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất nằm tại châu Âu. Lục địa già dự kiến sẽ đóng cửa biên giới một tháng để đối phó với dịch bệnh, nhưng liệu điều đó có muộn màng?


Châu Âu đang trong cuộc chiến

"Chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh, một cuộc chiến vì sức khỏe cộng đồng, rõ ràng rằng chúng ta đang chiến đấu chống lại một kẻ thù vô hình và khó lường", Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình tối 16/3, theo đó yêu cầu hạn chế tối đa đi lại trên toàn quốc trong vòng 15 ngày tới.

Đây là lần thứ 2 trong 4 ngày qua ông Macron lên tiếng về dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do SARS-CoV-2 gây ra, và ông hoàn toàn có lý do để làm việc này.

 Tính đến ngày 17/3, Pháp đã có tổng số 6.633 người nhiễm COVID-19 với 148 người tử vong, kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên hôm 24/1.

Phun khử trùng tại một nhà ga của Tây Ban Nha. Ảnh: The Guardian 

Nhưng, vào cuối tuần qua, phe Áo ghi-lê vàng vẫn tiến hành biểu tình tại nhiều nơi trên nước Pháp. Điều này, theo Reuters nhận định, phản ánh việc người Pháp chưa thực sự ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh. 

Song, Pháp chưa phải trường hợp tệ nhất. Tại Italia, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng lên gần 28.000 người, với 2.158 người tử vong. Các y bác sĩ Italia buộc phải thừa nhận họ đang ở trong một cuộc chiến, và hệ thống y tế đứng trước nguy cơ vỡ trận. Ông Daniel Koch thuộc cơ quan y tế Thụy Sĩ, hôm 17/3 cũng dự đoán: "Có rất nhiều người đã bị nhiễm, và nếu điều này tiếp diễn, hệ thống bệnh viện sẽ sụp đổ".

Thụy Sĩ ngày 16/3 đã huy động hơn 8.000 binh sĩ tham gia cuộc chiến chống COVID-19, sau khi công bố đại dịch COVID-19 là một trường hợp khẩn cấp đặc biệt. Nhưng, chính quyền Thụy Sĩ cũng chỉ ban hành quyết định này sau khi có hơn 2.330 công dân dương tính với SARS-CoV-2, cùng 14 bệnh nhân tử vong vì COVID-19 tại đây. 

Các quốc gia đang triển khai liên tục các biện pháp đẩy lùi COVID-19. Ảnh: BBC

Vì đâu nên nỗi?

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 16/3 đã đề xuất đóng cửa toàn khối và cấm người nước ngoài nhập cảnh trong 30 ngày để chiến đấu với đại dịch COVID-19, một động thái là LA Times nhận định là "có thể đã muộn màng", khi mà Tổ chức Y tế Thế giới trước đó đã tuyên bố châu Âu là "tâm chấn" mới của đại dịch COVID-19.

Lý giải về việc vì sao COVID-19 lại có thể lan rộng và lan nhanh trên lục địa già đến vậy, LA Times cho rằng chính việc không thống nhất biện pháp đối phó giữa các quốc gia đã gây khó khăn trong quá trình chống dịch. Nói cách khác, COVID-19 đang thể hiện sự chia rẽ trong nội bộ châu Âu, theo LA Times.

Ngày 16/3, Đức tuyên bố sẽ áp dụng các quy định hạn chế đi lại dọc theo hầu hết các khu vực biên giới, khẳng định sẽ chủ động làm việc này mà không cần thông báo cho bất cứ quốc gia láng giềng nào khác. Áo, CH Czech, Slovakia, Hungary và Ba Lan cũng đã làm điều tương tự: chủ động đóng cửa biên giới.

Phản ứng chậm và chưa phù hợp trong ứng phó với COVID-19 cũng là lý do khiến châu Âu "hụt hơi", mà Italia là một điển hình. Cùng phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, nhưng khi số ca nhiễm tại Hàn Quốc ngày 1 giảm, số ca nhiễm tại Italia ngày một tăng.

Hệ thống y tế châu Âu gồng mình chiến đấu với dịch bệnh. Ảnh: NY Post

 Hiện tại, các bác sĩ cấp cứu ở Italia đang rơi vào khủng hoảng. Số bệnh nhân cần dùng vật tư chăm sóc đặc biệt càng gia tăng trong khi cơ sở vật chất có hạn đã buộc các bác sĩ tại đây phải chọn chỉ tập trung điều trị những bệnh nhân có cơ hội sống sót cao hơn, theo Reuters.

New York Times đồng thời nhận định, trên khắp châu Âu mới ít hôm trước vẫn tồn tại suy nghĩ rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe này sẽ tan biến mà không cần can thiệp. Tại Anh, các chuyên gia đánh giá, quốc gia này phản ứng với dịch bệnh COVID-19 muộn hơn các nước khác tới 4 tuần, khi mà số người nhiễm và tử vong vì COVID-19 tăng lên gấp đôi chỉ trong vài ngày. 

Cho đến nay, chính phủ nước này vẫn chưa áp dụng các biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ như nhiều quốc gia châu Âu khác, bất chấp dịch COVID-19 đang lan rộng. Chính điều này đã khiến chính phủ Anh bị công chúng chỉ trích nặng nề. Tuy nhiên, phát biểu trên kênh truyền hình BBC, Bộ trưởng Y tế Hancock khẳng định London sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp trong ngày 17/3.

An Nhiên (T.H)
.
.
.