Biểu tình nổ ra liên tiếp: Châu Âu trải qua cuối tuần không bình yên

Chủ Nhật, 02/05/2021, 11:23
Từ Berlin, đến Paris, và cả London, những cuộc biểu tình quy mô lớn đang liên tục xảy ra trên khắp châu Âu nhằm phản đối chính sách của chính phủ, trong bối cảnh các hạn chế đi lại vẫn tiếp tục kéo dài tại lục địa già để đối phó với đại dịch COVID-19.

Ít nhất 5.000 người đã xuống đường biểu tình phản đối bất bình đẳng xã hội hôm 1/5 (giờ địa phương) nhân ngày lễ May Day (ngày lễ Lao động) tại thủ đô Berlin, Đức, với các hành vi đụng độ cảnh sát và làm bị thương ba sĩ quan, cảnh sát Berlin cho biết.

Theo DW, số người tham gia biểu tình tại Đức thậm chí còn cao hơn năm ngoái, bất chấp các yêu cầu giãn cách do COVID-19. Nhiều phần tử quá khích đã tiến hành đập phá nơi công cộng, ném pháo hoa, chai lọ và đá về phía lực lượng an ninh. 

Cảnh sát được điều động trấn áp nhóm biểu tình quá khích đốt phá nơi công cộng. Ảnh: DW

Khoảng 5.600 cảnh sát đã được triển khai để giải tán đám đông. Cảnh sát đã buộc phải dùng vòi rộng để dập lửa, khi nhóm đối tượng phấn kích đối cháy các thùng rác và rào chắn, đồng thời dùng bình xịt hơi cay để trấn áp. Biểu tình cũng xảy ra ở một số thành phố khác của Đức như Hamburg và Leipzig.

Tại Pháp, những người biểu tình mặc áo đen, đội mũ trùm đầu đã đụng độ với cảnh sát ở Paris trong cuộc biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người hôm 1/5 (giờ địa phương) nhằm đòi công bằng xã hội và kinh tế, đồng thời lên tiếng phản đối kế hoạch thay đổi trợ cấp thất nghiệp của chính phủ.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, hơn 106.000 người đã tham gia biểu tình trên khắp nước Pháp, trong đó có 17.000 người ở Paris. Cảnh sát đã thực hiện 46 vụ bắt giữ, sau khi nhiều đối tượng quá khích phóng hỏa một số khu vực công cộng, đập phá cửa một ngân hàng địa phương. 

Người biểu tình đập phá khu vực công cộng. Ảnh: Reuters
Một người biểu tình mặc đồ đen thể hiện thái độ khiêu khích cảnh sát. Ảnh: Reuters

Reuters cho biết, nhiều thành viên của phong trào "Áo gilet vàng" - phong trào đứng sau làn sóng biểu tình chống chính phủ Pháp ba năm trước - đã đứng sau đợt biểu tình lần này, cùng với nhóm công nhân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hạn chế mà COVID-19 gây ra. 

Khoảng 300 cuộc biểu tình khác đã nổ ra tại các thành phố Lyon, Nantes, Lille và Toulouse. Riêng tại thủ đô Paris, hơn 5.000 cảnh sát đã được điều động  nhằm trấn áp những đám đông quá khích. Ba cảnh sát đã bị thương trong vụ việc.

Trong khi đó, các cuộc biểu tình của phong trào "Kill The Bill" (tạm dịch: Loại bỏ dự luật này) tiếp tục nổ ra trong dịp cuối tuần tại thủ đô London, Anh trong dịp cuối tuần với hơn 1.000 người tham gia, tập trung tại các tòa nhà của chính phủ. 

Dòng người biểu tình mang theo khẩu hiệu, biểu ngữ tại Anh. Ảnh: Reuters

Cảnh sát cho biết, 9 người đã bị bắt và các sĩ quan đang "tiếp tục đối phó" với những người biểu tình tụ tập tại một công viên ở nam London. Các cuộc biểu tình được tổ chức nhằm phản đối đự luật mới nhằm gia tăng quyền hạn của cảnh sát để ngăn chặn các cuộc biểu tình.

Ngoài London, các cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra ở các thành phố khác trên khắp nước Anh và xứ Wales, bao gồm cả Bristol, nơi đã chứng kiến ​​nhiều ngày đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát kể từ khi phong trào Kill the Bill lan rộng hồi tháng 3 vừa qua.

Cảnh sát Đức bắt giữ một phần tử quá khích. Ảnh: DW

Tại Bỉ, Phần Lan và Thụy Điển, hàng trăm người dân đã tụ tập biểu tình nhằm phản đối những quy định của chính phủ về chống dịch bệnh COVID-19. Cảnh sát bỉ hôm 2/5 đã phải dùng vòi rộng và đạn hơi cay để giải tán đám đông tụ tập ở Brussels phản đối các quy đình phong tỏa. 

Trong khi đó, tại thủ đô Helsinki của Phần Lan, khoảng 300 người đã tham dự một cuộc biểu tình nhỏ, buộc cảnh sát can thiệp và bắt giữ khoảng 50 người. Còn tại Stockholm, Thụy Điển, từ 500 đến 600 người đã tuần hành với các biểu ngữ đòi hỏi "tự do và sự thật", trong một sự kiện kéo dài hơn hai giờ bất chấp các nỗ lực của cảnh sát để giải tán đám đông, France24 đưa tin.

An Nhiên
.
.
.