Võ sư "độc cước" vượt qua số phận

Thứ Năm, 11/08/2016, 08:22
Bị tai nạn, phải cưa mất một chân vào năm 21 tuổi, nhưng với nghị lực tuyệt vời và niềm đam mê võ thuật mãnh liệt, hơn 50 năm qua ông miệt mài tập luyện nhiều môn phái võ, nhưng đậm nhất là võ cổ truyền. Hiện ông đã được công nhận là chuẩn võ sư cấp 18/18 của Liên đoàn thế giới Võ cổ truyền Việt Nam. Có thể nói, ông là tấm gương sáng để những thế hệ tập võ học tập sự kiên trì, vượt qua số phận, khó khăn để gắn bó với nghiệp võ cổ truyền.


Vượt qua nghịch cảnh… và niềm đam mê võ cổ truyền

Trong ngày khai mạc (27-7) giải Vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần 1-2016 (do Liên đoàn Thế giới Võ cổ truyền Việt Nam (WFVV) phối hợp cùng Sở Văn hoá - Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức tại Nhà thi đấu Phú Thọ, quận 11), các đoàn võ thuật nước ngoài và các vận động viên tham dự giải đã vô cùng ấn tượng và xúc động trước bài biểu diễn đao pháp đẹp mắt của võ sư "độc cước" Tạ Anh Dũng (55 tuổi, hiện ngụ tại quận 8, TP Hồ Chí Minh).

Nhắc đến vị võ sư thuộc môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn này, nhiều người sẽ không khỏi bất ngờ và thương cảm trước số phận đầy nghiệt ngã của ông. Nhưng cũng chính ông - bằng nghị lực, sự cố gắng tột bậc của mình - đã vượt qua mọi thử thách, khó khăn trong đời, dành tất cả cho niềm đam mê võ thuật mãnh liệt.

Hình ảnh võ sư "độc cước" trong bài biểu diễn đao pháp tại lễ khai mạc giải Vô địch thế giới Võ cổ truyền Việt Nam lần 1-2016.

Vị võ sư chia sẻ, ông sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn (quê gốc cha ông ở Tây Ninh) trong một gia đình có truyền thống võ học. Ba ông- võ sư Tạ Ánh Đăng là một tay võ cừ khôi nổi danh thời Pháp thuộc. "Từ nhỏ cha tôi theo học một võ phái ở tỉnh Tây Ninh. Sau khi có thời gian học tập và tôi luyện, ông quyết định xuống Sài Gòn thi đấu. Do đánh bại nhiều đối thủ, ông lấy được bằng Thần Trung. Mẹ tôi khi đó là một tiểu thư con nhà khá giả tại Sài Gòn vì mê tài võ nghệ của ba tôi - một võ sư nghèo - đã yêu và đồng ý lấy ông làm chồng", võ sư Tạ Anh Dũng kể lại.

Con nhà võ, nên mới lên 4 tuổi, ông Dũng đã được cha hướng dẫn, chỉ bảo đứng tấn, tập những đường quyền cước cơ bản của võ cổ truyền Việt Nam… "Tôi có thể theo con đường võ nghiệp đến ngày hôm nay cũng là nhờ được ba dạy dỗ từ nhỏ. Mẹ tôi mềm mỏng bao nhiêu thì ông lại nghiêm khắc bấy nhiêu. Hồi tôi mới lên bốn tuổi, ngày nào cũng vậy, cứ tầm 4-5h sáng là ba lôi tôi dậy ra đứng giữa sân để học đứng tấn, đánh quyền cùng với các anh trai", ông cười hiền cho biết.

Khi vào tiểu học, trong trường có mở lớp dạy võ Taekwondo ông cũng đăng ký theo học. Vì muốn tìm tòi học hỏi thêm các thế võ của môn phái khác để tìm ra ưu - khuyết điểm cũng như cách hóa giải chúng nên khi lên trung học, ông lại học thêm võ Aikido (Nhật Bản) và võ Thiếu Lâm (Trung Quốc).

Bên cạnh niềm đam mê võ thuật mãnh liệt, khi vừa bước qua tuổi đôi mươi, vì cuộc sống mưu sinh, ông phải lăn xả làm nhiều việc khác nhau và ai thuê gì làm nấy để có tiền trang trải cuộc sống. Một ngày, ông theo ghe thuyền ra biển khơi đánh cá. Trong lúc kéo lưới, ông bị ngã và chấn thương nặng một bên chân. Được đưa đi sơ cứu rồi chuyển về cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh), nhưng do vết thương quá nặng nên các bác sĩ buộc phải cắt bỏ một phần chân trái và ông chỉ biết chuyện kinh khủng này khi tỉnh dậy.

Với một người theo nghiệp võ như ông, việc bị mất một chân khi mới 21 tuổi rõ ràng là điều vô cùng tuyệt vọng. Và thực tế thì mấy ngày đầu sau khi phải chịu cảnh mất đi một phần thân thể, ông bảo rằng mình gần như suy sụp, tưởng chừng như không thể gượng dậy nổi bởi buồn cho số phận của mình và nhất là niềm đam mê võ thuật có thể sẽ mất đi. Khi đó nằm cùng phòng bệnh điều trị với ông có một đôi nam nữ. Cũng vì những lý do khác nhau mà họ cũng bị cắt bỏ một bên chân. Không chịu đựng được sự đau khổ đột ngột xảy ra với mình, họ đã chọn cách tự kết liễu đời mình một cách đầy thảm thương.

"Hai trường hợp đó, một người thì đã chọn cách treo cổ tự tử, một người thì lao chiếc xe lăn từ phòng bệnh lầu 5 xuống đất. Những cái chết đó đã khiến tôi bị ám ảnh rất nhiều. Nhưng sau khi tự trấn tĩnh suy nghĩ, tôi thấy rằng dù có buồn khổ, sầu não đến mấy thì cái chân cũng chẳng thể nào mọc lại được. Và cách tốt nhất để tôi có thể tiếp tục sống là phải chấp nhận và đối diện với nó rồi tìm cách thích nghi và vượt qua", ông chia sẻ.

Võ sư Tạ Anh Dũng.

Đúng như lời ông thì số phận đã trớ trêu với ông nhưng vốn là con nhà võ được tôi luyện từ sớm nên ông đã sớm vượt qua nghịch cảnh bằng niềm tin và bản lĩnh mạnh mẽ, nhất là bằng niềm đam mê võ cổ truyền đã ăn sâu vào máu.

Sau khi vết thương lành hẳn và trở về với cuộc sống đời thường, ông đã tập luyện rất nhiều để có thể dần dần đi lại được một cách bình thường, làm chủ cơ thể của mình trên một chân còn lại, hơn nữa là cơ sở để sau này ông luyện tập các động tác võ thuật…

Vị "độc cước" võ sư bình dị

Để tiếp tục cuộc sống của mình, ông vẫn theo nghề đánh cá, những lúc rảnh rỗi, ông lại nhận vá lưới thuê. Ba năm sau, ông lấy vợ và lần lượt sinh bốn người con. Không muốn vợ con lo lắng, ông bỏ nghề đi biển và mưu sinh bằng nghề đi giao báo. Theo đó, cứ năm giờ sáng hàng ngày, ông lại đạp xe cọc cạch đến đại lý báo rồi mang đi bỏ mối và bán dạo ở khu vực chợ An Đông, chợ Thiếc, chợ Bàu Sen, chợ Xã Tây… Dù làm nhiều việc khác nhau để mưu sinh nhưng niềm đam mê võ thuật chưa bao giờ ông quên được.

"Để kiếm tiền nuôi các con, tôi làm đủ nghề, trong đó có việc đi giao báo là chính và nhiều công việc khác. Sau đó, dù cuộc sống còn khá khó khăn nhưng tôi vẫn quyết định quay lại với võ thuật. Nhiều lần đi giao báo qua khu vực Công viên Văn Lang (quận 5) tôi thấy gần đó có một lò luyện võ, vì thế tôi quyết định đến gặp vị võ sư môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn để xin học võ. May mắn là sư phụ đã đồng ý nhận tôi làm đệ tử ngay bởi có lẽ ông ấy thấy ở tôi một niềm đam mê võ thuật mãnh liệt", ông bộc bạch.

Từ đó, ngoài những lúc làm việc mưu sinh, ông dành khoảng thời gian còn lại để học võ. Nhưng những ngày đầu quay lại với niềm đam mê võ thuật đối với ông không hề dễ dàng. Trong đó, thử thách lớn nhất trong việc luyện tập là với một chân ông phải đứng trụ, xoay người, lúc đầu trụ chân không vững ông bị ngã liên tục. Nhưng dần dần, ông tìm ra thế trọng tâm, luyện tập giữ thăng bằng bằng cách đứng tấn nhiều giờ liền, tập đi nạng leo cầu thang bộ… Ngoài ra, ông còn thường xuyên chơi bóng bàn, bơi lội… nhằm rèn luyện phản xạ và lực của cơ tay…

"Người bình thường có thể tập được những động tác di chuyển linh hoạt nhưng với tôi thì gặp muôn vàn khó khăn. Hơn nữa, đây là một môn võ đòi hỏi cần sự di chuyển nhiều và cầm binh khí, nên chính vì vậy tôi phải nỗ lực, cố gắng tập cho chân còn lại thật khỏe. Tiếp sau đó, là tập cơ lưng thật chắc để bật dậy thật nhanh trong lúc đánh võ...", ông Dũng nhớ lại những ngày tập luyện vất vả của mình.

Hiện tại võ sư Tạ Anh Dũng vẫn hàng ngày miệt mài luyện tập võ thuật.

Với sự nỗ lực và cố gắng tột bậc, sau những ngày đêm miệt mài luyện tập, ông đã trở thành một võ sư của môn phái Kim Kê Tây Sơn Nhạn như ngày hôm nay. Điều đáng nói, sau đó ngoài luyện tập và dạy võ cổ truyền Kim Kê Tây Sơn Nhạn, ông còn học tập các môn võ khác như: Aikido, Boxing, Muay Thái và Pencak Silat. Với các môn võ này, ông đã tham gia đào tạo được nhiều môn sinh, đại diện cho đội tuyển trẻ thành phố tham dự các giải đấu trong khu vực, giành được nhiều giải thưởng cao.

Không chỉ luyện tập võ, ông Dũng còn chơi nhiều môn thể thao khác như đã kể trên. Không nhiều người biết ông là vận động viên một chân đầu tiên của Việt Nam tham gia cả 6 lần thi marathon quốc tế diễn ra tại TP Hồ Chí Minh (từ năm 1992 đến 2002). Ông kể một kỷ niệm đáng nhớ: "Lần đó khi tham gia chạy việt dã, thấy tôi nhảy lò cò trên chặng đường dài, nhiều người bảo tôi lên xe máy để họ chở đi, nhưng tôi nhất quyết không đồng ý. Bởi tôi chạy không phải vì thành tích mà muốn tạo hình ảnh đẹp về người Việt Nam kiên cường trong mắt du khách nước ngoài đứng xem và cả làm gương cho những bạn trẻ tập luyện thể dục thể thao".

Tâm sự về gia đình riêng của mình, ông có vẻ ngại ngần bởi nhiều lý do. Nhưng có lẽ cũng chính vì quá đam mê võ thuật nên ông đã không giữ trọn vẹn được mái ấm gia đình. Ông và vợ ly hôn khi đứa con đầu lòng được 15 tuổi, còn cô gái út mới lên 2. Nhận nuôi cả đàn con 4 đứa, bao khó khăn chồng chất nên ông đã phải làm nhiều việc để có thu nhập chu toàn cho cuộc sống và lo cho các con, đồng thời để tiếp tục theo đuổi đam mê võ thuật của mình.

Hiện ông đang ở cùng con gái út và mấy đứa cháu ngoại (ba người con lớn của ông đều đã có gia đình riêng) tại căn nhà riêng tuềnh toàng ở mé sông cầu Hiệp Ân (quận 8). Trong nhà, hầu hết đồ đạc, vật dụng đều không có giá trị lớn. Hôm gặp chúng tôi vào sáng sớm tại Công viên Tao Đàn, khi chia tay ông bảo phải về lo cơm nước cho ba đứa cháu ngoại. Bình thường ông vẫn đi giao báo từ rất sớm rồi tranh thủ đi tập luyện võ thuật. Đến gần trưa lại tự mình đi chợ về nấu cơm cho ba đứa cháu. Chiều tối, ông đi dạy võ, dạy chơi bóng bàn ở các trường học, trung tâm TDTT để kiếm thêm thu nhập.

Ở tuổi của ông, nhìn ông vẫn đúng dáng vẻ con nhà võ, với cơ thể cường tráng, khỏe mạnh, bởi hàng ngày ông vẫn thường xuyên duy trì việc tập luyện võ thuật. Theo lời ông, chính niềm đam mê võ thuật đã níu kéo và giúp ông trở lại với cuộc sống bình thường. "Bây giờ với tôi, bên cạnh niềm đam mê võ thuật, các đứa cháu là một trong những niềm vui lớn nhất của tôi. Chúng đã giúp tôi cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn", ông tỏ ra vô cùng hạnh phúc khi chia sẻ điều này.

Phú Lữ
.
.
.