Nữ võ sư 70 tuổi mở lớp học cho người khuyết tật

Thứ Tư, 01/06/2016, 10:57
11 năm dạy võ cho những đứa trẻ khuyết tật, bị down, giờ đây người phụ nữ 70 tuổi vẫn còn miệt mài sắm sửa từng thứ một cho lớp học dành cho người có hoàn cảnh khó khăn đã hơn một năm nay.

Nữ võ sư kỳ cựu của Aikido Việt Nam

Căn phòng nhỏ nép sát phòng tập võ của Câu lạc bộ Năng khiếu thể dục thể thao quận 3 tiễn một nhóm học trò rời giờ học khi mặt trời đã đứng bóng. Trong nhóm học trò gần chục người sáng thứ sáu hôm ấy, nhỏ nhất chỉ tầm 5-6 tuổi, lớn nhất hơn 30 tuổi, có người khiếm thị, có người khiếm thính, người thì bệnh down. Một người phụ nữ tóc điểm bạc, lưng cong cong ra tiễn họ đến tận cổng. Bà là Nguyễn Thị Thanh Loan, võ sư môn Aikido, thầy dạy võ kiêm dạy chữ của nhóm học sinh đặc biệt đó.

Giơ bàn tay lên nhẩm tính, bà ngửa người ra cười, “nhanh thật, mới đây mà đã tròn 70 tuổi”. Sinh năm 1947 trong một gia đình cha gốc Long An, mẹ gốc Tiền Giang, bà Thanh Loan theo nghiệp võ giữa bao bọc nhân thân không có ai học võ, và cũng từng không muốn cho bà học võ. Nhưng đam mê, quyết tâm cùng sự ủng hộ của người cha đã dung dưỡng niềm yêu với môn thể thao mạnh mẽ này từ khi bà chưa tròn 10 tuổi đầu.

“Khi ấy, xã hội còn nhiều định kiến, con gái học môn của con trai bị coi là không dịu dàng. Vả lại, khi ấy phụ nữ ra đường thường mặc áo dài nên đánh võ không được phù hợp, các bà các mẹ sợ con như thế sẽ không lấy được chồng”, bà hồi tưởng.

Người mẹ khi ấy quyết cản không cho khi cô con gái nằng nặc đòi tới võ đường. Thương con, người cha giấu vợ đưa con tới võ đường Thiếu Lâm Hàn Bái. Tại đây, nhờ những ngày chập chững học môn võ “Hàn Bái Đường”, cô gái nhỏ bén duyên với môn võ Aikido khi được gặp thầy Đặng Thông Trị, người sáng lập phong trào Aikido Việt Nam. Cũng nhờ nghiệp võ, bà cũng quen biết với đồng môn - người chồng hiện tại: võ sư Đặng Văn Phát.

Võ sư Thanh Loan cùng các học trò khuyết tật.

20 tuổi, cô gái trẻ Thanh Loan trở thành giáo viên trẻ nhất của trường nữ trung học Gia Long, dạy võ và thường xuyên biểu diễn khắp các trường học, đại hội võ thuật trước năm 1975. Giở chiếc cặp táp nhựa dán chi chít những tấm hình trắng đen trên nền tờ giấy nhật trình đã ngả sang màu vàng úa, bà chỉ vào tấm ảnh mình vận bộ áo dài, chân đi giày cao, đang quật ngã một nam thanh niên. “Trong bộ áo dài, khi tự vệ, để thấy phái nữ học võ cũng cũng đẹp, nhu mì chứ đâu có thô cứng như định kiến“, bà nói.

"Lão võ sư" thay đổi cuộc đời trẻ không may mắn

Những năm 1980 đến 1990, bà từng về dạy ở trường Đại học TDTT TW2. Năm 2005, cơ duyên đến với việc dạy những đứa trẻ khuyết tật cách tự vệ, bà Loan chậm rãi hồi tưởng, khi được Sở Thể dục Thể thao TP Hồ Chí Minh mời về làm trưởng bộ môn Aikido của Hội võ thuật người khiếm thị.

“Khi đó, vốn quen dạy người bình thường, bỗng dưng nhận được đề nghị dạy cho học trò khiếm thị, mà các em không thấy đường đi thì làm sao nhìn để biết động tác, thủ thế, cách té hay cách đánh? Điều này làm tôi phân vân một thời gian dài”, bà đăm chiêu.

“Có một hình ảnh mà mãi sau này tôi không thể quên. Đó là khi khai giảng lớp võ khiếm thị đầu tiên, một em gái trong nhóm 20 em mon men đến bên tôi, ghì chặt tay, hỏi cô ơi làm sao mà con học võ được hả cô? Cảm xúc khi đó dội vào tôi mạnh mẽ, khiến tôi muốn có thêm động lực để tiếp sức mạnh cho các em khuyết tật”, bà nói, hai tay nắm chặt.

Rồi cũng tìm được cách. Sau nhiều đêm trăn trở, phải mất đến một tuần nghĩ cách bà mới nghĩ ra phương thức giúp học trò khiếm thị sờ nắn bàn tay, khuỷu tay, góc cánh tay ra sao để đánh cho đúng. “Các em tuy không nhìn thấy nhưng còn có thính giác và xúc giác. Tôi phải cầm tay từng em, giúp các em rờ nắn khi thị phạm động tác để đánh theo”, bà nói, vừa giơ cánh tay lên giải thích. “Với người khiếm thị, việc học võ phải tuyệt đối an toàn vì trước hết là các em không nhìn thấy đường”, bà nhấn mạnh.

“Lứa học trò đầu tiên đó có đứa đã lên được đai nâu, qua 6 cấp, giờ bọn nhỏ đã quá rành rồi”, một cách mãn nguyện, bà khoe. Thường xuyên dẫn học trò đi biểu diễn, thi đấu, qua mỗi nơi, bà có thêm học trò mới. Cho đến ngày bà có cơ hội dạy học trò mắc hội chứng down đầu tiên.

“Cách đây khoảng 6,7 năm gì đó, khi tôi đang dạy võ phía trong võ đường, ngoài trời mưa lất phất. Tôi nhìn ra có một bà mẹ dẫn theo một đứa nhỏ tầm 15, 16 tuổi lấp ló ngoài cổng. Khi đến gần, tôi mới biết cô bé đó, bé Yến Linh (ngụ Bình Thạnh) mắc bệnh down. Mẹ cô bé xin cho em được học”, bà nhìn mông lung lên trần nhà, nhớ đến đâu kể đến đấy. “Không có kinh nghiệm dạy cho các cháu mắc bệnh này, tôi đành từ chối, khi đó tôi ngó thấy hai hàng nước mắt rơi trên khuôn mặt cô bé, còn người mẹ thì thẫn thờ”.

Sự kiện đó ám ảnh bà khôn nguôi. Suy nghĩ tới lui, bà quyết định bàn với ban giám đốc tìm cách dạy thêm cho người bệnh down. Và Yến Linh được nhận.

Ánh mắt ngời sáng, bà nói: “Ngày đầu đến võ đường, cô bé cứ cúi gằm mặt không thèm nghe ai. Dần dà, khi tôi gọi, bé từ từ ngước nhìn lên sàn, chịu lên đứng cùng hàng, chịu chào đồng môn. Trước đây, nếu ở nhà tới giờ cơm cha mẹ cô bé phải hò hét, tập võ một thời gian, cứ tới giờ giấc sinh hoạt là Yến Linh tự động đi vào nề nếp không cần ai nhắc”.

Một trong những gia cảnh của học trò khiến bà nhớ và khâm phục nhiều nhất là hoàn cảnh của cha con ông Mạc Văn Mỹ và Mạc Đăng Mừng (sinh năm 1988, bệnh down bẩm sinh). Người cha ngoài lục tuần Mạc Văn Mỹ cách đây nhiều năm đã cất công tìm và gửi gắm cậu con trai chậm phát triển cho bà Loan để học Aikido.

Được sự giới thiệu của bà Loan, Mừng cùng một vài bạn đồng môn khác được học lớp học đặc biệt về đồ họa vi tính ở trường Đại học Văn Lang. “Trường quá quen với hình ảnh hai cha con ông Mỹ. Hàng ngày sáng chiều chở con đi học, đến trưa hai cha con xin suất cơm chay, ngủ nghỉ tại trường để chiều vào học tiếp. Con học đến đâu, cha theo sát học cùng đến đấy để về nhà chỉ lại cho con. Tôi thật sự rất nể tình thương và sự kiên trì của ông Mỹ dành cho Mừng”. Chỉ vào 3 tấm chứng chỉ kỹ thuật đồ họa kê sát nhau trên bàn, một của Mạc Đăng Mừng, hai tấm kia của hai học viên khác, Như Nguyện và Tuấn Anh, bà nói, đó là kết quả của ròng rã nửa năm học của gia đình các em.

Mở cuốn album hình chứa đầy hình ảnh của học trò đi thi đấu, bà chỉ vào hình Mừng đang giơ tấm huy chương vàng trong đội bóng Bocce mới thi đấu hồi tháng 4/2016. “Tụi nó giờ mạnh lắm, hôm bữa đá vào tôi, không né kịp nên gãy tay luôn”, bà cười to, chỉ vào cánh tay lấm tấm đồi mồi.

Trong thời gian tới, bà định hướng sẽ cho học trò học chuyên sâu Judo để có thể thi đấu ở sân chơi Para Games (Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á).

Chật vật mở lớp học tình thương

Càng tiếp xúc nhiều với các em khuyết tật đủ mọi hoàn cảnh, bà nhận ra, học võ tự vệ vẫn là chưa đủ. Vẫn còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn chưa tiếp xúc được với việc học văn hoá. Ở tuổi 68, vào tháng 11/2014, bà xin với Câu lạc bộ Năng khiếu thể dục thể thao quận 3 cắt một căn phòng nhỏ để dạy thêm tiếng Anh và chữ Việt cho các em. “Chi hội Tâm lý Giáo dục Aikido - Thế giới là yêu thương” được thành lập.

Trong căn phòng bề ngang chỉ khoảng 5m, bề dài hơn 15m, hơn 10 bộ bàn ghế được kê sát nhau, mỗi cái là một loại khác nhau. Trên tường treo chi chít những bằng khen, bằng chứng nhận thi đấu của học trò, bằng khen của bà Loan, các cờ chứng nhận giải, cùng hình ảnh của học trò đi thi đấu. Lớp học này đủ chỗ cho hơn 10 em.

Chỉ vào tấm bảng lớn treo trên tường, bà nói, giá của nó hơn 2 triệu đồng do bà xuất tiền mua. Không chỉ bảng, hầu như tất cả vật dụng khác trong lớp đều là do bà bỏ tiền ra sắm sửa, hoặc người quen, thông gia đóng góp cho. Bước vào gian bếp nhỏ phía sau phòng học, bà dè dặt, “vẫn đang để dành tiền để sửa sang cho mấy đứa nhỏ học nấu ăn mà chưa đủ kinh phí làm”.

Lớp học diễn ra hai sáng thứ sáu và chủ nhật này dạy đủ môn, từ dạy chữ tiếng Việt, tiếng Anh, học đàn, nữ công gia chánh. Khi nào tới giờ học võ thì bà sẽ dạy ở phòng sát bên. “Tôi có mời được một số thầy cô người nước ngoài về dạy tiếng Anh nhưng không cố định. Thêm nữa, tôi vẫn đang tìm thầy về dạy đàn cho các em để hoàn chỉnh lớp học. Những khi thiếu giáo viên, tôi kiêm luôn vị trí đứng lớp”.

Học viên ở lớp đa phần đều được dạy miễn phí. Người thân của một số học viên có thành lập hội phụ huynh để gom góp một khoản phí hàng tháng giúp bà chi trả một khoản hoàn lại cho trung tâm, chi phí mời giáo viên và mua những vật dụng phục vụ việc học. Ngoài giảng dạy ở đây, bà còn dạy miễn phí cho trẻ khuyết tật ở sân Phú Thọ, mái ấm Thiên Ân và Huynh Đệ Như Nghĩa.

Cho biết thu nhập hàng tháng chỉ ở mức đủ sống, bà tâm sự may mắn vẫn được con trai và ba cô con gái hỗ trợ. Các con bà, người làm ở công ty điện lực, người theo nghiệp làm giáo viên dạy võ cũng hỗ trợ cho cha mẹ nhiều.

Giơ ngón tay áp út tím tái vì té xe tuần trước, bà khoát tay cười, nói vẫn đang miệt mài tìm các khoản hỗ trợ để duy trì lớp học này. “Sức khoẻ tôi xuống dốc trông thấy, tôi biết chứ, nhưng không bỏ mấy đứa nhỏ được”, bà giáo cười hiền hậu.

Huỳnh Duyên
.
.
.